1. Lợi ích của việc chuyển nhượng nhãn hiệu:
Nhãn hiệu được xem là dấu ấn thương hiệu gắn liền với sản phẩm hoặc dịch vụ và là tài sản vô hình mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp là các chủ sở hữu. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Cụ thể, bên chuyển nhượng nhãn hiệu có thể thông qua việc chuyển nhượng để thu hồi lại vốn đầu tư và tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh khác mà họ quan tâm hơn. Ngược lại, việc chuyển nhượng nhãn hiệu thường dễ dàng hơn so với việc tạo ra một nhãn hiệu mới, bên nhận chuyển nhượng lại được tiếp cận với một thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu.
2. Điều kiện để chuyển nhượng nhãn hiệu:
Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:
- Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản;
- Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
3. Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng nhãn hiệu:
Không phải mọi nhãn hiệu đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều được chuyển nhượng và không phải mọi chủ thể đều được chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng nhãn hiệu. Vì vậy, cần lưu ý những điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng như sau:
Thứ nhất, chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
Thứ hai, việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Thứ ba, quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu.
4. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu:
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cần có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Thông tin chi tiết về nhãn hiệu được chuyển nhượng
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Điều kiện sửa đổi, chấm dứt, vô hiệu hợp đồng;
- Cách thức giải quyết khiếu nại, tranh chấp;
- Ngày và nơi ký kết hợp đồng;
- Chữ ký của các bên hoặc của người đại diện có thẩm quyền của các bên kèm theo họ tên, chức vụ của người ký và xác nhận chữ ký.
5. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu:
5.1. Chuẩn bị hồ sơ:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu (theo mẫu);
- Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định). Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (nếu quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc sở hữu chung);
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của Bên nhận chuyển nhượng (nếu nhãn hiệu chuyển nhượng là nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể);
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
5.2. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể được tiếp nhận bằng những cách sau đây:
- Cách 1: Nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ
- Cách 2: Nộp đơn trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến
- Cách 3: Nộp đơn thông qua Đại diện Sở hữu công nghiệp
Bước 2: Xử lý hồ sơ:
a) Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hợp lệ:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Ghi nhận vào Văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ trong Văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
- Ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp.
b) Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không hợp lệ:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
- Ra quyết định từ chối ghi nhận chuyển nhượng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định
6. Thời gian đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu:
Theo quy định của pháp luật, thời gian đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu là từ 02 tháng (không bao gồm thời gian sửa chữa hồ sơ); kể từ ngày nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trên thực tế thời gian có thể kéo dài phụ thuộc vào thời gian làm việc của Cục Sở hữu trí tuệ. Do số lượng đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ có thể khá lớn nên thời gian làm việc thường chậm hơn theo quy định.
7. Chi phí, lệ phí chuyển nhượng nhãn hiệu:
Phí, lệ phí chuyển nhượng đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC bao gồm:
- Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn;
- Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng;
- Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng;
- Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Phí thẩm định quyền nộp đơn; và quy chế sử dụng nhãn hiệu trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chứng nhận;
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa; dịch vụ mang nhãn hiệu).
Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu thông qua đại diện chi phí trên sẽ bao gồm thêm phí dịch vụ.
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu chuyển quyền sở hữu công nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là chuyển nhượng nhãn hiệu. Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu một cách nhanh chóng cũng như để giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý khi chuyển nhượng nhãn hiệu, bạn có thể tìm đến Nacilaw là đơn vị Đại diện Sở hữu công nghiệp để được hỗ trợ tư vấn chi tiết.
LÊ THỊ NGỌC THẮM
Chuyên viên tư vấn Sở hữu trí tuệ.