Tư vấn đầu tư

FDI

BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, GIA CÔNG CHO DOANH NGHIỆP FDI

FDI

1. Bổ sung các ngành, nghề kinh doanh về sản xuất, gia công của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì?

Thứ nhất, điều kiện về tiếp cận thị trường:

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020 về ngành, nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 17 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP “Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I của Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Do vậy, để bổ sung ngành, nghề sản xuất, gia công cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần phải xem xét các ngành, nghề dự định bổ sung có thuộc vào ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường hoặc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện hay không? Nếu ngành, nghề mà tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không nằm trong phạm vi của Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì sẽ được áp dụng như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Trong trường hợp ngành, nghề mà tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dự định bổ sung thuộc vào ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó trước khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện khác.

Thứ hai, điều kiện về địa điểm trụ sở, địa điểm nơi thực hiện dự án

Địa điểm thực hiện hoạt động sản xuất phải phù hợp quy mô sản xuất như: điện tích sử dụng đất, công suất thiết kế,…; quy mô kiến trúc xây dựng; quy mô xây dựng và giải pháp cùng với các điều kiện khác để đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật. Về địa điểm thực hiện dự án có thể là thuê văn phòng, thuê nhà xưởng, thuê đất khu công nghiệp, thuê đất trực tiếp từ Nhà nước để thực hiện,…

Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay bổ sung ngành, nghề sản xuất để hoạt động chia thành hai trường hợp: (i) Thực hiện hoạt động sản xuất tại địa chỉ trụ sở chính (tức địa chỉ trụ sở chính đồng thời là địa điểm thực hiện dự án); (ii) Thực hiện hoạt động sản xuất khác địa chỉ trụ sở chính.

  • Đối với trường hợp địa chỉ trụ sở chính công ty đã đáp ứng điều kiện về địa điểm sản xuất, gia công thì có thể xin bổ sung ngành, nghề và tiến hành hoạt động sau khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đầu tư.
  • Đối với trường hợp bổ sung ngành, nghề sản xuất nhưng trên thực tế không thực hiện được tại trụ sở vì không đáp ứng được điều kiện sản xuất (giả sử trụ sở chính là tòa nhà văn phòng), doanh nghiệp thực hiện bằng cách thức hoạt động dự án sản xuất ở nơi khác hoặc thực tế doanh nghiệp không thực hiện trực tiếp việc sản xuất mà thuê gia công, … Trong trường hợp này để bổ sung ngành, nghề trước khi tiến hành hoạt động doanh nghiệp cần lưu ý về việc giải trình về việc đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật và cam kết không hoạt động sản xuất tại địa chỉ trụ sở chính với cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp.

Thứ ba, về điều kiện môi trường

Đối với một số ngành, nghề kinh doanh tuy không có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng khi hoạt động sẽ có tác động xấu tới môi trường, xã hội thì tùy thuộc vào quy hoạch phát triển của từng địa phương mà có thể bị hạn chế hoặc cấm đầu tư.

2. Thực tiễn và quy trình việc bổ sung ngành, nghề sản xuất đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Thực tiễn thực hiện

Khi tiến hành thực hiện bổ sung ngành, nghề sản xuất, gia công đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở chính là tòa nhà văn phòng, có thể cơ quan đăng ký doanh nghiệp yêu cầu liên hệ cơ quan quản lý đầu tư để được xem xét và đáp ứng điều kiện về xuất đầu tư trên một diện tích đất và đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần phải giải trình và cam kết để đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật để cơ quan đăng ký doanh nghiệp chấp nhận. Việc giải trình có thể dựa trên tình hình nhu cầu thực tế và theo các căn cứ pháp luật như sau:

  • Theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm, đối với ngành nghề có điều kiện thì cần phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.
  • Theo quy định tại khoản 2, Điều 64 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư.

Từ các quy định trên và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có thể thực hiện bổ sung ngành, nghề trực tiếp trên nội dung đăng ký doanh nghiệp mà không nhất thiết phải thực hiện bổ sung mục tiêu trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc phải có dự án đầu tư mới, tuy nhiên cần phải giải trình về tính phù hợp khi tiến hành bổ sung.

Mặt khác, đối với một số trường hợp, để được hưởng ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư, thì việc bổ sung mục tiêu trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một trong những điều kiện bắt buộc phải có để có thể được hưởng ưu đãi. Vì vậy, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc điều chỉnh mục tiêu, bổ sung ngành, nghề kinh doanh.

Quy trình thực hiện bổ sung ngành, nghề sản xuất

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thực hiện bổ sung ngành, nghề kinh doanh

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh;
  • Biên bản họp (đối với Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên và Công ty Cổ phần)

Bước 2: Thực hiện nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Chi tiết: Bổ sung ngành, nghề sản xuất, gia công

Bước 3: Giải trình về sự phù hợp quy định pháp luật và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Bước 4: Nhận kết quả thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Một số điểm cần lưu ý khi bổ sung ngành, nghề sản xuất gia công đối với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, doanh nghiệp nên kiểm tra tổng thể về điều kiện của ngành, nghề sản xuất mà Công ty dự định bổ sung, cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam và các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, khi đã đáp ứng điều kiện về ngành, nghề doanh nghiệp cần xem xét về địa điểm thực hiện hoạt động sản xuất. Địa điểm thực hiện dự án là yếu tố quan trọng trong việc quyết định có thể bổ sung được ngành, nghề sản xuất, gia công hay không. Nếu là trường hợp địa điểm thực hiện hoạt động sản xuất không phải là địa chỉ trụ sở chính hoặc thực tế doanh nghiệp không trực tiếp hoạt động sản xuất mà đi thuê sản xuất, gia công thì cần phải có phương án hoạt động rõ ràng, và giải trình chi tiết với cơ quan đăng ký doanh nghiệp để được chấp thuận.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên tìm đến một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để được hỗ trợ toàn bộ quy trình, nhằm giảm thiểu các rủi ro, giúp thủ tục pháp lý được rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án được nhanh chóng.

LE PHAT DAT

(Legal Consultant)

Để được tư vấn chi tiết về thủ tục pháp lý này, Qúy Khách hàng vui lòng liên hệ Naci Law để được hỗ trợ.

NACI LAW,

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525

Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505

Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:

  1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
  2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
  3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.

Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button