Tư vấn doanh nghiệp

Pexels Photo 840996

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC THAY ĐỔI, BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển và thay đổi nhanh chóng, việc bổ sung hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh là một nhu cầu thiết yếu đối với nhiều doanh nghiệp. Quyết định này không chỉ phản ánh sự linh hoạt và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những cơ hội và thách thức mới, mà còn là bước quan trọng để tối ưu hóa hoạt động và mở rộng thị trường. Quá trình bổ sung hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện một số bước nhất định, từ việc chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho đến việc nộp và xử lý các yêu cầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Cùng Nacilaw tìm hiểu các quy định về thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh

Nội dung

  1. Ngành nghề kinh doanh là gì?

Hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa cụ thể thế nào là ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, Quyết định 27/2018/QĐ-TTg đã quy định về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và ban hành kèm theo đó Phụ lục quy định danh sách mã ngành nghề kinh doanh.

Đồng thời, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định, doanh nghiệp được quyền:

- Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

- Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Như vậy, doanh nghiệp được quyền tự do lựa chọn một trong các ngành nghề kinh doanh theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, khi có nhu cầu mở rộng phát triển, doanh nghiệp hoàn toàn được quyền thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật.

  1. Trình tự thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh

2.1.      Hồ sơ thông báo thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh

Khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh bao gồm:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (mẫu Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

- Giấy ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục và bản sao hợp lệ giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền thực hiện thủ tục.

2.2.      Trình tự, thủ tục thực hiện thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh

Bước 1: Doanh nghiệp lựa chọn một trong hai phương thực nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ trực tiếp: tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

- Nộp hồ sơ qua mạng: Sử dụng chữ ký số điện tử (token) để đăng ký hoặc Đăng ký tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

- Trường hợp đăng ký thay đổi, bổ sung hồ sơ trực tiếp:

+ Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, ngành nghề có điều kiện, cập nhật thông tin ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

+ Trong thời hạn từ 3 - 5 ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc gửi thông báo yêu cầu điều chỉnh, bổ sung (nếu hồ sơ chưa hợp lệ).

- Trường hợp đăng ký thay đổi, thêm ngành nghề kinh doanh qua mạng:

+ Nhận giấy biên nhận hồ sơ đăng ký qua mạng, sau khi điền hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;

+ Trong thời hạn từ 3 - 5 ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp giấy xác nhận hoặc gửi thông báo yêu cầu điều chỉnh, bổ sung (nếu hồ sơ chưa hợp lệ);

+ Sau khi đăng ký qua mạng, doanh nghiệp cần nộp giấy biên nhận và hồ sơ bản cứng tại Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận giấy xác nhận ngành nghề kinh doanh mới.

Bước 3: Nhận kết quả

- Doanh nghiệp nhận kết quả là Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

  1. Chế tài xử phạt trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi ngành nghề kinh doanh nhưng không thực hiện thủ tục thông báo

Khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thủ tục thông báo theo quy định trên, doanh nghiệp sẽ chịu chế tài xử phạt theo quy định tại Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP với mức phạt như sau:

- Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 01 ngày đến 10 ngày.

- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 31 ngày đến 90 ngày.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 91 ngày trở lên.

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh về các nội dung thay đổi.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button