Để phù hợp với quy mô và định hướng phát triển của doanh nghiệp thì chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một lựa chọn phù hợp đối với chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không muốn tiến hành thủ tục giải thể thì chuyển đổi loại hình cũng là một lựa chọn để doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động.
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại, cơ cấu lại doanh nghiệp mà không phải chấm dứt hoạt động. Nói cách khác, công ty đó sẽ hoạt động dưới dạng một loại hình doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp không được tự ý chuyển đổi nếu chưa đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện theo quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp mới có quyền được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Nhưng vẫn kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là hoạt động mang tính thủ tục pháp lý, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường trước, trong và sau quá trình chuyển đổi. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có một số đặc điểm dưới đây:
Về chủ thể quyết định việc chuyển đổi: chủ sở hữu hoặc hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp.
Về lý do chuyển đổi: thường xuất phát từ ý chí tự chuyển của chủ sở hữu hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông nhằm triển khai định hướng phát triển công ty phù họp với điều kiện mới của chủ đầu tư, song cũng có thể mang tính bắt buộc để tránh nguy cơ giải thể (ví dụ khi số lượng thành viên công ty giảm dưới mức tối thiểu, nếu không muốn giải thể, lại không kết nạp thêm thành viên mới thì doanh nghiệp phải chuyển đổi).
Về hệ quả của việc chuyển đổi:
Làm thay đổi loại hình doanh nghiệp, về thủ tục pháp lý, tất yếu cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền sẽ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau chuyển đối, Có thể làm thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, nếu khi chuyển đổi doanh nghiệp xuất hiện thêm thành viên công ty hay cổ đông mới. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp không có sự thay đổi về chủ sở hữu của doanh nghiệp mà chi thay đổi về loại hình doanh nghiệp, như chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân làm chủ.
Các hình thức chuyển đổi doanh nghiệp thường gặp: Theo quy định tại Luật doanh nghiệp và nghị định hướng dẫn việc chuyển đổi doanh nghiệp có thể được thực hiện dưới các hình thức sau đây:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:
Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
Kết hợp phương thức nêu trên và các phương thức khác.
- Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:
Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;
Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;
Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.
- Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:
Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;
Kết hợp phương thức nêu trên và các phương thức khác.
- Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp;
Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.