Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020.
Công ty cổ phần đã và đang là một trong những mô hình công ty phổ biến nhất hiện nay. Vậy công ty cổ phần là gì? Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần có gì đặc biệt?
Khái niệm về công ty cổ phần
Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau, mỗi phần bằng nhau đó được gọi là cổ phần;
- Tổ chức hoặc cá nhân sở hữu cổ phần của công ty gọi là cổ đông. Một công ty cổ phần có tối thiểu 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông công ty sẽ chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần:
Công ty cổ phần có thể lựa chọn mô hình tổ chức dựa trên quy định của Luật Doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng được nhu cầu hoạt động của công ty và tuân thủ pháp luật. Theo quy định tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có quyền lựa chọn một trong hai mô hình sau:
- Mô hình thứ nhất (Mô hình có Ban kiểm soát), gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc/Tổng giám đốc.
Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông bầu, có từ 03 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
- Mô hình thứ hai (Mô hình không có Ban kiểm soát), gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị
Tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên độc lập Hội đồng quản trị:
Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;
Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.
Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.
Lưu ý: Trường hợp công ty cổ phần có trên 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty thì công ty bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
DONG LAN ANH
(Legal Consultant)