Tư vấn doanh nghiệp

Original 72 Large 1508380239

CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ BAN KIỂM SOÁT VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BAN KIỂM SOÁT

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 122/2021/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình có Ban kiểm soát hoặc không có Ban kiểm soát. Tại bài viết này, Naci Law sẽ gửi tới bạn đọc thông tin pháp lý đối với mô hình có Ban kiểm soát và xử phạt đối với vi phạm về Ban kiểm soát.

Công ty cổ phần tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình có Ban kiểm soát bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Đại hội đồng cổ đông: Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

Hội đồng quản trị: Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Ban kiểm soát:

Ban kiểm soát trong công ty cổ phần do Đại hội đồng cổ đông bầu. Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Xử phạt vi phạm hành chính trong doanh nghiệp lựa chọn cơ cấu tổ chức và hoạt động với mô hình  Ban kiểm soát

Doanh nghiệp lựa chọn mô hình có Ban kiểm soát mà tổ chức không đúng hoặc không đầy đủ thành phần theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 53, Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Đối với trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải theo mô hình có Ban kiểm soát mà không thành lập Ban kiểm soát và bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 53, Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Lưu ý: Ngoài hình thức phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm quy định về Ban kiểm soát buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng, cụ thể như sau:

  • Buộc tổ chức lại Ban kiểm soát nếu Ban kiểm soát tổ chức không đúng hoặc không đầy đủ thành phần;
  • Buộc thành lập Ban kiểm soát nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
  • Buộc miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát, Kiểm soát viên không đủ tiêu chuẩn và điều kiện.

DO THANH LONG

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button