Hiện nay, tác động lớn của đại dịch Covid-19 gần 2 năm qua đã khiến ngành du lịch gần như bị tê liệt hoàn toàn, không ít doanh nghiệp phải phá sản, số doanh nghiệp còn giấy phép thì hoạt động cầm chừng và lâm vào tình trạng rất khó khăn…
Nắm bắt được sự khó khăn đó, Ngày 28/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Như vậy, mức giảm tiền ký quỹ cụ thể là bao nhiêu ? Thời hạn áp dụng mức ký quỹ dịch vụ lữ hành ? Trách nhiệm của ngân hàng và doanh nghiệp sau khi được giảm tiền ký quỹ ? Naci Law xin đưa ra một số ý kiến tư vấn cùng với các quy định pháp luật liên quan như sau:
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Theo quy định tại Nghị định 94/2021/NĐ – CP (“Sau đây gọi là Nghị định 94”) quy định mức giảm 80% mức ký quỹ kinh doanh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023 so với trước đây, cụ thể:
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng (trước đây là 250 triệu đồng);
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng);
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng).
- Thời hạn áp dụng mức ký quỹ
- Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 94 thì mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CPngày 31 tháng 12 năm 2017.
- Trách nhiệm của Ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Thu hồi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp, cấp mới Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ quy định tại Điều 1 Nghị định này và hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Nghị định này cho doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực;
- Gửi danh sách, thông tin doanh nghiệp đã tiến hành đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ. (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 94)
- Trách nhiệm của Doanh nghiệp nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP có thể đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức mới và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, doanh nghiệp ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP phải đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức ký quỹ quy định tại Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi. (Khoản 3 Điều 2 Nghị định 94)
DO THANH LONG
(Legal Consultant)