Tư vấn đầu tư

Điều Chỉnh Phân Phối Hàng Hóa Của Dự án đầu Tư Trong Khu Công Nghiệp

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU PHÂN PHỐI HÀNG HÓA CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Hiện nay, Việt Nam thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thực hiện dự án trong các khu công nghiệp, với đặc thù là các hoạt động sản xuất hàng hóa kèm các dịch vụ liên quan đến sản xuất. Trong quá trình sản xuất, có rất nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình thêm các phân ngành dịch vụ khác, trong đó, phân phối hàng hóa là một lựa chọn tương đối phổ biến. Nhưng việc bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa của các dự án trong khu công nghiệp có thuận lợi như các dự án ngoài khu công nghiệp hay không? hoặc có khó khăn và cần lưu ý gì?

Trong bài viết này, Nacilaw xin đưa ra quy định và cách thức thực hiện, cũng như kinh nghiệm đăng ký điều chỉnh bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa của các dự án đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp như sau:

1. Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại”. Với nội dung này, có thể hiểu phân phối bao gồm các hoạt động: bán buôn hàng hóa, bán lẻ hàng hóa, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Đây đều không phải là các dịch vụ liên quan đến sản xuất. Cũng theo quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, thì hoạt động phân phối hàng hóa đã được cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các nước thành viên và không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP thì “khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp”. Có thể thấy, hoạt động chủ yêu của các khu công nghiệp là hoạt động chuyên sản xuất hàng công nghiệp và các dịch vụ liên quan đến sản xuất.

Đối chiếu theo các quy định trên thì khu công nghiệp không thu hút đầu tư với dịch vụ phân phối hàng hóa. Nhưng trong các văn bản cũng không đề cập đến vấn đề cấm hay hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp đăng ký dịch vụ phân phối này. Vì vậy, trên thực tế các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp vẫn đăng ký được dịch vụ phân phối hàng hóa nhưng sẽ khó khăn hơn việc bổ sung các ngành nghề về sản xuất, dịch vụ liên quan đến sản xuất hàng hóa.

Kinh nghiệm bổ sung dịch vụ phân phối hàng hóa:

Thứ nhất, các hàng hóa phân phối phải đảm bảo phù hợp với ngành nghề sản xuất của dự án, hoặc đáp ứng về các sản phẩm đầu ra của khu công nghiệp mà dự án đặt địa điểm. Bởi mỗi khu công nghiệp chỉ thu hút một số ngành nghề sản xuất cụ thể và sẽ sản xuất ra các sản phẩm liên quan theo quy hoạch phát triển đã được phê duyệt của từng tỉnh/thành phố. Đồng thời, hàng hóa thực phân phối phải đảm bảo không thuộc danh mục hàng hóa cấm phân phối tại Việt Nam.

Thứ hai, như phân tích bên trên, phân phối được chia ra làm bốn hoạt động, trong đó, chỉ có hoạt động phân phối bán buôn hàng hóa là khả thi đăng ký bổ sung nhất. Bởi như đã nói, hàng hóa phân phối phải phù hợp với các sản phẩm đầu ra của khu công nghiệp, phù hợp với hoạt động bán buôn cho các thương nhân, tổ chức khác để tiếp tục phân phối tới người tiêu dùng (là hoạt động bán buôn hàng hóa) hơn là bán trực tiếp cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng (là hoạt động bán lẻ hàng hóa); đại lý bán hàng hóa sẽ có cả hoạt động bán buôn và bán lẻ nên cũng không phù hợp; nhượng quyền thương mại không liên quan tới hàng hóa sản xuất. Đồng thời, hoạt động phân phối bán buôn sẽ dễ dàng kiểm tra, giám sát cho cơ quan quản lý khu công nghiệp hơn hoạt động phân phối bán lẻ.

Thứ ba, khi bổ sung thêm mục tiêu phân phối bán buôn hàng hóa, nhà đầu tư nên có các kho hàng để lưu trữ riêng với sản phẩm từ hoạt động sản xuất hoặc thuê các kho ngoại quan để lưu trữ hàng hóa trước khi xuất tới khách hàng. Các nội dung này sẽ được thể hiện thông qua việc giải trình lý do bổ sung mục tiêu. Ngoài ra, cần làm rõ việc bổ sung mục tiêu phân phối có làm thay đổi tới tổng vốn đầu tư của dự án hay không (ví dụ: xây thêm nhà kho phải có nguồn vốn để thực hiện, hoặc bổ sung thêm nguồn vốn để có thể nhập hàng hóa về kinh doanh)? phải đăng ký thêm quy mô mục tiêu phân phối và tiến độc thực hiện mục tiêu này.

Thứ tư, lưu ý đối với hàng hóa phân phối bán buôn là dầu, mỡ bôi trơn phải xin cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Công thương, lấy ý kiến của Bộ Công thương trước khi cấp cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện một trong các hoạt động sau: “Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam” hoặc “Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.”

2. Quy trình bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa

Căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì nội dung điều chỉnh mục tiêu của dự án đầu tư có thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

b) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;

c) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;

d) Văn bản giải trình về việc điều chỉnh mục tiêu phân phối hàng hóa của dự án đầu tư.

            Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT đã có đề cập tới biểu mẫu Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh, nhà đầu tư có thể tải về để sử dụng.

Đối với Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức là văn bản do nhà đầu tư ban hành, nhưng theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT thì Quyết định này là Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Với quy định này, nhà đầu tư cần lưu ý tùy từng loại hình tổ chức kinh tế mà có các văn bản Quyết định và Biên bản họp tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc các văn bản pháp luật khác liên quan.

Riêng đối với Văn bản giải trình về việc điều chỉnh mục tiêu phân phối hàng hóa của dự án đầu tư sẽ không có biểu mẫu cụ thể, nhà đầu tư phải tự cung cấp được các lý do, căn cứ hợp lý để giải trình cho nhu cầu điều chỉnh mục tiêu dự án. Với một số tỉnh/thành phố, nhà đầu tư phải nộp kèm thêm bản Đề xuất thực hiện dự án ghi nhận các nội dung điều chỉnh, đánh giá ảnh hưởng hiệu quả kinh tế đối, tác động sơ bộ tới môi trường,… mà các nội dung điều chỉnh mang lại (nếu có).

3. Trình tự thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư

Bước 1: Nhà đầu tư đăng ký kê khai hồ sơ online trên cổng thông tin đầu tư nước ngoài, một số tỉnh yêu cầu nộp hồ sơ online trên trang dịch vụ hành chính công của tỉnh đó.

Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền;

Thời gian thực hiện: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Mục tiêu hoạt động của dự án tương ứng với ngành, nghề kinh doanh trong nội dung đăng ký doanh nghiệp. Do đó, khi điều chỉnh mục tiêu dự án thì tổ chức kinh tế phải thực hiện bổ sung ngành, nghề kinh doanh tương ứng theo quy định. Trong trường hợp tổ chức kinh tế là doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền;

Thời gian thực hiện: Trong vòng 3 ngày làm việc, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.    

Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung điều chỉnh bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ Nacilaw để được hỗ trợ.

TRẦN ĐỨC THIỆN

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button