Tin tức

Apple Store

GỠ BỎ TÁC PHẨM XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ TRÊN APPLE STORE

Phát triển kinh tế gắn liền với công nghệ số là một chiến lược mang tính toàn cầu, có thể coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nền tảng để các quốc gia coi công nghệ là nhân tố và công cụ đưa nền kinh tế quốc gia phát triển nhanh hơn. Các ứng dụng máy tính, phần mềm đã đưa trí tuệ nhân tạo để thay thế sức lao động của con người, tạo ra được hiệu quả kỹ thuật và năng suất lao động vượt trội.

Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh và mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ các tài sản trí tuệ gắn liền với công nghệ đó. Một công nghệ vừa ra đời, ngay lập tức xuất hiện công nghệ tương tự được sao chép gần như hoàn hảo. Để đối phó với các tình huống đó, trong phạm vi bài viết hôm nay, Nacilaw gửi đến bạn đọc bài viết về quy trình “gỡ bỏ tác phẩm xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của người khác đã được bảo hộ” trên nền tảng Apple Store.

Như chúng ta đã biết, Apple Store là một nền tảng phân phối kỹ thuật số các ứng dụng cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS, được phát triển và duy trì bởi Apple Inc. Apple Store cho phép người dùng tìm kiếm, tải xuống cũng như đánh giá các ứng dụng được phát triển bằng bộ phát triển phần mềm iOS và iPadOS của Apple, do vậy hành vi xâm phạm bản quyền giữa các tác phẩm trên Apple Store là không hiếm gặp. Nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của tác giả cũng như chủ sở hữu quyền tác giả, theo quy định tại Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act) và Mục 512 trong Tiêu đề 17 về quyền tác giả của Bộ luật Hoa Kỳ, Apple Inc đã đăng ký với Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và đưa ra những chính sách dựa trên quy định này để gỡ bỏ các tác phẩm xâm phạm bản quyền trên nền tảng của mình.

Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải hợp tác với chủ sở hữu bản quyền để nhanh chóng xóa các nội dung vi phạm trên nền tảng của Apple Store, đổi lại, Apple Store sẽ được miễn các trách nhiệm pháp lý liên quan đến hành vi vi phạm bản quyền của người dùng.

Vậy căn cứ vào đâu để xác định một tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả? Căn cứ vào Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật được ký kết tại Bern, Thụy Sỹ vào năm 1886, áp dụng chung đối với các nước thành viên thuộc Công ước, trong đó có Việt Nam và Hoa kỳ thì quyền tác giả được xác lập dựa trên ba nguyên tác chính.

Nguyên tắc đối xử quốc gia: Là nguyên tắc đặt ra cho các quốc gia thành viên thực hiện bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác, tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình. Nguyên tắc này đặt ra sự bình đẳng trong đối xử với công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên.

Nguyên tắc bảo hộ tự động: Quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất nhất định không lệ thuộc vào bất kì thủ tục nào như đăng ký cấp giấy chứng nhận, nộp lưu chiểu.

Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Nguyên tắc này được thể hiện là tác giả phải tự mình sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm hay những tác phẩm khác, tác phẩm phải được hình thành trên cơ sở sáng tạo trí tuệ của tác giả.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có sự tương thích với công ước khi quy định thời điểm phát sinh quyền tác giả: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Luật Bản quyền Hoa Kỳ quy định tại Điều 102 về đối tượng điều chỉnh quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học cụ thể:

“(a). Theo quy định của Điều luật này, Luật quyền tác giả bảo hộ tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả đã được định hình dưới bất kỳ một dạng vật chất thể hiện hữu hình nào hiện đã được biết hoặc sẽ được phát triển trong tương lai, mà từ các dạng vật chất thể hiện hữu hình này tác phẩm có thể được cảm nhận, tái bản, hoặc phổ biến khác hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của các máy móc thiết bị. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các thể loại sau:

(1) Tác phẩm văn học;

(2) Tác phẩm âm nhạc bao hàm tác phẩm kèm theo bất kỳ một từ nào;

(3) Tác phẩm sân khấu bao hàm các tác phẩm kèm theo bất kỳ âm thanh nào;

……”

Dựa trên quy định của Công ước, pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thấy rằng quyền tác giả được tự động bảo hộ kể từ khi tác phẩm được định hình dưới bất kỳ một dạng hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dựa trên cơ chế phát sinh quyền đó, một tác phẩm đã được bảo hộ tại một quốc gia là thành viên của Công ước Bern, cũng sẽ được bảo hộ tại quốc gia thành viên khác. Chính vì vậy, chủ thể là tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của các ứng dụng, phần mềm khi phát hiện có hành vi xâm phạm trên nền tảng Apple Store hoàn toàn có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các biện pháp bảo vệ tác phẩm của mình trên phạm vi 160 quốc gia là thành viên của Công ước.

Dưới đây, Nacilaw xin đưa ra quy trình xử lý các tác phẩm xâm phạm bản quyền trên nền tảng Apple Store để bạn đọc tham khảo:

1. Gửi yêu cầu gỡ bỏ đến App Store

Ngay sau khi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc những chủ thể khác có quyền lợi liên quan phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả giữa tác phẩm của mình với một tác phẩm khác trên Apple Store, chủ sở hữu quyền có thể gửi thông báo bằng văn bản qua email hoặc một biểu mẫu có sẵn (tại mục “Claims of Copyright Infringement (“DMCA”)”) đến Apple, thông qua đại diện quyền tác giả của Apple để yêu cầu gỡ bỏ tác phẩm có dấu hiệu xâm phạm.

 Đại diện quyền tác giả là một trong những điều kiện để được miễn giảm trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Đây sẽ là nơi tiếp nhận các thông báo yêu cầu gỡ cũng như thông báo phản hồi của bên yêu cầu và bên bị yêu cầu ( Căn cứ theo Tiêu đề 17 Mục 512(c)(2) Bộ Luật Hoa Kì).

Trong thông báo của mình gửi đến App Store căn cứ theo Tiêu đề 17 Mục 512(c)(3)(A)(i)–(vi) Bộ Luật Hoa Kì, chủ sở hữu quyền cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau đây:

(i) chữ ký của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện được ủy quyền;

(ii) xác định rõ tác phẩm được cho là đã bị vi phạm (hoặc chỉ dẫn đến đường link của tác phẩm đó) hoặc, nếu có nhiều tác phẩm nằm trên cùng một trang web, cần đưa ra một danh sách các tác phẩm đại diện.

(iii) xác định tài liệu hoặc hành vi vi phạm (hoặc tham chiếu đến hoặc liên kết đến tài liệu đó) và thông tin cần thiết để cho phép nhà cung cấp dịch vụ xác định tài liệu đó (hoặc tham chiếu đến hoặc liên kết đến);

(iv) thông tin liên hệ của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện được ủy quyền;

(v) cam kết của người gửi thông báo rằng việc sử dụng tài liệu theo như khiếu nại không được chủ sở hữu bản quyền, tổ chức đại diện của chủ sở hữu bản quyền hoặc pháp luật cho phép; và

(vi) cam kết về các thông tin trong thông báo là chính xác và chủ thể yêu cầu là chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu ủy quyền.

Chủ sở hữu tác phẩm bị xâm phạm quyền tác giả, khi thông báo gỡ bỏ đến Apple không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận Quyền tác giả. Trường hợp tác phẩm chưa được đăng ký, chủ sở hữu tác phẩm có thể cung cấp các tài liệu chứng minh.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu tác phẩm bị xâm phạm quyền tác giả có thể gửi thư cảnh báo hoặc ủy quyền cho Nacilaw là đơn vị đại diện quyền tác giả tại Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thay mặt gửi thư cảnh báo đến chủ sở hữu tác phẩm được đánh giá là xâm phạm đến tác phẩm của mình. Việc gửi thư cảnh báo nhằm yêu cầu chủ thể xâm phạm chấm dứt ngay lập tức hành vi xâm phạm, xin lỗi và cải chính công khai, tiêu hủy các tác phẩm xâm phạm bản quyền.

2. Gỡ bỏ tác phẩm có hành vi xâm phạm và thông báo đến người dùng có tác phẩm bị gỡ bỏ

Việc gỡ bỏ các tác phẩm có hành vi xâm phạm là một biện pháp cần thiết và tuân theo quy trình nhất định của Apple Store.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin yêu cầu từ chủ sở hữu quyền, nếu có căn cứ để xác định có hành vi xâm phạm quyền, Apple Store sẽ nhanh chóng tiến hành gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập đối với ứng dụng có dấu hiệu xâm phạm được đề cập, trên nền tảng của mình (Căn cứ theo tiêu đề 17 Mục 512(d)(1)(B) Bộ Luật Hoa Kì). Đồng thời, nhà cung cấp dịch vụ cũng phải thông báo ngay cho người dùng có tác phẩm bị gỡ bỏ hoặc vộ hiệu hóa về việc tài liệu đó đã bị gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa.  

Nếu người dùng tin rằng tài liệu đã bị xóa do nhầm lẫn hoặc nhận dạng sai tài liệu, người dùng có thể gửi thông báo phản đối yêu cầu khôi phục tài liệu.

Sau khi nhận được thông báo phản đối, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến sẽ gửi một bản sao cho chủ thể yêu cầu ban đầu để quyết định liệu có đưa vụ việc ra khởi kiện. Nếu người yêu cầu ban đầu không có ý kiến phản hồi, nhà cung cấp dịch vụ sẽ khôi phục quyền truy cập vào tài liệu trong 10-14 ngày làm việc. Tuy nhiên, nếu người gửi thông báo ban đầu thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ (trong vòng 10 – 14 ngày kể từ khi nhận được thông tin), rằng đã khởi kiện vụ việc xâm phạm lên Tòa án, Apple sẽ không thể khôi phục lại tác phẩm đã gỡ bỏ (Căn cứ Tiêu đề 17 Mục 512(g)(2)(B)-(C) Bộ Luật Hoa Kì). 

Đồng thời, Apple cũng áp dụng chính sách vô hiệu hóa và/hoặc chấm dứt trong những trường hợp thích hợp, tài khoản của những người dùng bị phát hiện vi phạm nhiều lần hoặc bị khiếu nại nhiều lần là vi phạm bản quyền của người khác. Trong phạm vi thực hiện chính sách đó, Apple có toàn quyền quyết định đình chỉ, vô hiệu hóa và/hoặc chấm dứt tài khoản của những người dùng được xác định là liên tục có các hoạt động vi phạm hoặc vì các lý do liên quan khác (Căn cứ Tiêu đề 17 Mục 512(i)(1)(A) Bộ Luật Hoa Kì).

Trên đây là tổng quan một quy trình để gỡ bỏ một tác phẩm xâm phạm quyền tác giả của người khác trên nền tảng Apple Store, hi vọng bài viết này đã có thể phần nào giúp bạn đọc hiểu về chính sách xử lý của Apple đối với các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nacilaw với tư cách là đại diện quyền tác giả đã đại diện cho các chủ thể quyền để gỡ bỏ nhiều ứng dụng chứa giao diện/mã nguồn bị xâm phạm trên Apple một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc những chủ thể khác có quyền lợi liên quan trong đối với các vụ việc tương tự như trên.

VÂN NGUYỄN

Manager Of Intellectual Property Office

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button