Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của một tổ chức, cá nhân với những tổ chức, cá nhân khác. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngăn chặn sao chép, và xây dựng uy tín cho doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, nếu việc đăng ký bị lạm dụng với mục đích không chính đáng, gây thiệt hại cho người khác, có thể dẫn đến việc hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022, việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vì dụng ý xấu là một quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ thể hợp pháp, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” (first-to-file) để đầu cơ hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu, đặc biệt là với những nhãn hiệu có uy tín. Quy định này áp dụng cho những trường hợp mà người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có hành vi không trung thực hoặc dụng ý xấu khi thực hiện thủ tục đăng ký.
Về căn cứ huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị huỷ bỏ vì dụng ý xấu có thể bị huỷ bỏ toàn bộ nếu đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau:
- Tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; và
- Việc đăng ký nhãn hiệu nêu trên nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi, hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác, hoặc nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các loại nhãn hiệu đã nêu trên, hoặc các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.
Về chủ thể có quyền đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu: Mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp thấy rằng nhãn hiệu đã được cấp có ảnh hưởng đến quyền của văn bằng bảo hộ của mình đều có quyền đề nghị đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã được cấp.
Về thời hiệu thực hiện quyền đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu: Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu là suốt thời hạn bảo hộ.
Về hồ sơ đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu: Để thực hiện việc đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, người yêu cầu cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Tờ khai hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp theo Mẫu số 08 tại Phụ lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Chứng cứ (nếu có);
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
- Bản giải trình lý do yêu cầu (nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Về phương thức nộp đơn: Người nộp đơn có thể nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ và các Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
Huỷ bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vì dụng ý xấu là một biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và duy trì sự công bằng trong môi trường kinh doanh. Nó giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ những nhãn hiệu thực sự có giá trị trên thị trường. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh chấp về nhãn hiệu, việc hiểu rõ và áp dụng đúng quy định về huỷ bỏ nhãn hiệu vì dụng ý xấu sẽ giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Trên đây là một số phân tích và các quy định pháp luật về huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vì dụng ý xấu. Hy vọng sẽ đem lại thông tin hữu ích đến bạn đọc. Hãy liên hệ với Nacilaw nếu bạn đọc cần hỗ trợ tư vấn cụ thể.