Khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp phát triển một thương hiệu cho sản phẩm của mình, việc đăng ký nhãn hiệu là một bước quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ. Tuy nhiên, đôi khi có thể xảy ra trường hợp mà người khác đã đăng ký nhãn hiệu mà bạn đang sử dụng hoặc dự định sử dụng. Vậy cần phải làm gì khi rơi vào tình huống này?
- Nguyên tắc về quyền ưu tiên và rủi ro bị đánh mất nhãn hiệu
Nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam được bảo hộ theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại điều 90 Luật sở hữu trí tuệ. Theo nguyên tắc này trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ. Nói một cách dễ hiểu hơn, pháp luật sẽ bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký sớm nhất.
Có thể thấy rằng việc một chủ thể sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh không đương nhiên là căn cứ để pháp luật bảo vệ trước các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu mà họ đã bỏ công sức xây dựng ngay trên lãnh thổ Việt Nam vì lý do đăng ký bảo hộ muộn.
Cụ thể có thể kể đến như câu chuyện nhãn hiệu của Ngân hàng Vietinbank. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam được thành lập từ năm 1988, có tên giao dịch là Incombank. Trong khoảng 20 năm, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã lấy tên thương mại Incombank của mình làm nhãn hiệu dịch vụ mà không đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Các thông tin trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức SHTT thế giới WIPO cho thấy đơn nhãn hiệu quốc tế số 603176 ngày 20/05/1993 (5 năm sau khi Ngân hàng Công thương Việt Nam được thành lập) đã đăng ký nhãn hiệu INKOM BANK do một ngân hàng thương mại của Nga đăng ký có chỉ định tại Việt Nam. Hậu quả là, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã không thể sở hữu hợp pháp nhãn hiệu Incombank ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Để có thể tiếp tục hoạt động dịch vụ tài chính mà không bị rủi ro về việc xâm phạm nhãn hiệu của người khác thì Ngân hàng Công thương Việt Nam đã buộc phải thay đổi nhãn hiệu thành Vietinbank ngay sau đó.
Khi bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước, có một số rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp (chủ sở hữu nhãn hiệu) có thể phải đối mặt, bao gồm:
- Mất Quyền Sở Hữu Trí Tuệ: Việc bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước có thể dẫn đến mất quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu của mình, làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng và phát triển thương hiệu trong tương lai.
- Rủi Ro Pháp Lý: Việc sử dụng nhãn hiệu mà đã được đăng ký bởi người khác có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế bị kiện tụng về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý nặng nề và gây tổn thất cho doanh nghiệp.
- Giảm Giá Trị Thương Hiệu: Việc mất quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có thể làm giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó. Thương hiệu mà không được bảo vệ pháp lý có thể trở nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp.
- Giải pháp khắc phục hậu quả
Các doanh nghiệp khi phát hiện nhãn hiệu của mình bị người khác đăng ký trước, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra tình trạng đơn đăng ký nhãn hiệu đó để lựa chọn phương án giải quyết cho phù hợp. Hiện nay có 03 phương án giản quyết cho tình trạng trên:
– Thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT.
– Khởi kiện “đòi lại” lại nhãn hiệu.
– Tiến hành đàm phán với chủ sở hữu nhãn hiệu đó nhằm mua lại nhãn hiệu đó.
– Sử dụng một nhãn hiệu khác.
Thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT
Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là thủ tục được thực hiện bởi bên thứ ba nộp đơn phản đối đối với đơn đăng ký nhãn hiệu của bên kia. Mục đích của phản đối nhằm bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu của bên phản đối hoặc đảm bảo tính độc quyền, sự phân biệt và tính nhất quán của hệ thống nhãn hiệu. Quy trình phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu thường được thực hiện thông qua các cơ quan sở hữu trí tuệ như Cục Sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, theo quy định, ý kiến phản đối sẽ được coi là nguồn thông tin tham khảo để Cục sở hữu trí tuệ xem xét trong quá trình thẩm định đối đơn nhãn hiệu. Như vậy, có thể thấy, việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là một trong những biện pháp để chủ sở hữu nhãn hiệu có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đồng thời ngăn chặn những hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Trước khi Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, thì thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố. Việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu phải được lập thành văn bản, và kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Tìm hiểu thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu mà bạn dự định phản đối: Số đơn, chủ đơn, ngày nộp đơn và thông tin nhãn hiệu, nhóm hàng hóa/dịch vụ đăng ký.
Bước 2: Thu thập nguồn thông tin, tài liệu căn cứ để chứng minh nội dung, lý do phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu. Lập hồ sơ phản đối theo quy định và nộp kèm các tài liệu, căn cứ chứng minh.
Bước 3: Nộp hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục sở hữu trí tuệ có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
Khởi kiện “đòi lại” nhãn hiệu
Trong một số trường khi nhãn hiệu “bị đánh cắp”, việc sử dụng quyền pháp lý (như khởi kiện) để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu hoặc giành quyền đăng ký nhãn hiệu có thể là một giải pháp để bảo vệ thương hiệu của mình.
Để tiến hành khởi kiện, cần tập hợp các bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu cụ thể là bằng chứng về thời điểm sử dụng nhãn hiệu (sử dụng trước thời điểm bị “đánh cắp” càng tốt), bằng chứng về việc mình thuê thiết kế nhãn hiệu, bao bì, phương tiện kinh doanh, bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu như tên thương mại, trong các giao dịch thương mại,…(nếu có), tài liệu bằng chứng chứng minh việc đầu tư cho nhãn hiệu,…
Đàm phán để mua lại nhãn hiệu
Khi phát hiện rằng nhãn hiệu của mình bị đăng ký bởi người khác, phương án khả thi và cũng được xem là phương án phổ biến có thể thực hiện là liên hệ với chủ sở hữu nhãn hiệu để thương lượng và đàm phán về việc chuyển nhượng nhãn hiệu (hoặc chuyển giao quyền nộp đơn trong trường hợp nhãn hiệu vẫn chưa được cấp văn bằng bảo hộ). Trong một số trường hợp, thỏa thuận có thể đạt được nhưng cần cân nhắc về giá chuyển nhượng sao cho hợp lý.
Sau khi hai bên thống nhất được thỏa thuận chuyển nhượng, bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng sẽ phải làm thủ tục thông báo với Cục Sở hữu trí tuệ.
Khi nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phương án đó là liên hệ đến chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký để đàm phán, thương lượng mua lại nhãn hiệu. Sau khi hai bên thống nhất được thỏa thuận chuyển nhượng, bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng sẽ phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền SHCN tại Cục SHTT.
Tiến hành thay đổi nhãn hiệu khác
Trường hợp đàm phán mua lại nhãn hiệu không thành công, tổ chức cá nhân cần lựa chọn giải pháp thay thế để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Việc tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đã bị người khác đăng ký có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cao, bao gồm:
– Bị kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Chủ sở hữu mới của nhãn hiệu có thể khởi kiện bạn vì vi phạm quyền sở hữu của họ.
– Bị buộc ngừng sử dụng nhãn hiệu: Bạn có thể bị buộc ngừng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký, dẫn đến việc mất đi thương hiệu và thị trường đã xây dựng.
– Bị bồi thường thiệt hại: Bạn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu mới của nhãn hiệu.
Do đó, giải pháp an toàn nhất là thay đổi nhãn hiệu để tránh những rủi ro pháp lý nêu trên. Việc thay đổi nhãn hiệu có thể tốn kém thời gian và chi phí, nhưng đây là khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ hoạt động kinh doanh của bạn.
- Kết luận
Mặc dù bạn vẫn còn cơ hội giành lại được nhãn hiệu sau khi bị người khác đăng ký trước, các giải pháp thường rất tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức và khả năng thành công lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên được thực hiện sớm, trước thời điểm tiến hành các hoạt động kinh doanh và quảng bá nhãn hiệu rộng rãi. So với các giải pháp nêu trên, đây chính là giải pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất để bảo hộ nhãn hiệu của bạn.
Nếu bạn cần hướng dẫn cụ thể về thủ tục, báo giá cho các dịch vụ tra cứu nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc đàm phán, xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất:
CÔNG TY LUẬT TNHH NACI LAW
Hotline: 0978 938 505
Website: https://nacilaw.com/ | https://dangkybanquyen.vn/
Head office: Stellar Garden Building, 35 Le Van Thiem Street, Thanh Xuan District, Ha Noi
Branch: 5th Floor, 121Bis Nguyen Van Troi, Ward 11, Phu Nhuan District, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Email: info@nacilaw.com