Tin tức

Ngoai Le Khong Xam Pham Quyen Tac Gia

NGOẠI LỆ QUYỀN TÁC GIẢ: TRƯỜNG HỢP PARODY

Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung hay Quyền tác giả (QTG) nói riêng theo định nghĩa của WTO đó là “quyền được trao cho người có hoạt động sáng tạo trí óc được độc quyền sử dụng thành quả sáng tạo của mình trong một khoảng thời gian nhất định”. Độc quyền nói trên có thể coi như một sự tưởng thưởng và khích lệ cho các sáng tạo mang tính hữu ích cho xã hội. Tuy nhiên để cân bằng với các lợi ích chung của xã hội cũng như quyền của các chủ thể khác như: quyền tiếp cận tri thức, quyền tự do ngôn luận…, pháp luật về QTG trên thế giới đều đặt ra các quy định về giới hạn quyền của chủ sở hữu và các ngoại lệ không xâm phạm quyền (limitations and exceptions). Pháp luật Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ đó khi quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tại Điều 25, 25a và 26 Luật SHTT. Tuy nhiên khi so sánh quy định của pháp luật Việt Nam với các chế định luật về quyền tác giả của nước ngoài, có thể nhận thấy một số điểm khác biệt về phạm vi và tính chất của các ngoại lệ. Một trong số đó là ngoại lệ về sử dụng tác phẩm cho mục đích giễu nhại (parody).

Chỉ thị 2001/29 của Liên minh châu Âu “Về sự hài hòa các khía cạnh nhất định của Quyền tác giả và Quyền liên quan trong xã hội thông tin” (gọi tắt là Infosoc Directive) hướng dẫn tại Điều 5.3 về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, trong đó tại điểm (k) có nêu ra trường hợp “sử dụng cho mục đích biếm họa (caricature), giễu nhại (parody) hoặc mô phỏng (pastiche)”. Trong vụ kiện “Deckmyn v Vandersteen”, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra định nghĩa cụ thể về “parody” là một tác phẩm:

  1. Gợi lại tác phẩm gốc trước đó nhưng có khác biệt đáng kể; và
  2. Thể hiện sự hài hước và nhạo báng.

Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Sáng chế của Vương quốc Anh năm 1988 (gọi tắt là CPDA 1988) cũng quy định tại Điều 30A về trường hợp “sử dụng hợp lý (fair dealing) tác phẩm cho mục đích biếm họa, giễu nhại hoặc mô phỏng”. Đạo luật Bản quyền của Hoa Kỳ năm 1976 mặc dù không có quy định cụ thể về các ngoại lệ nhưng đã áp dụng cách tiếp cận mở, theo đó tại Điều 107 đã đặt ra 04 yếu tố để xác định một trường hợp là “sử dụng hợp lý (fair use)” tác phẩm:

  1. Mục đích và đặc trưng của hành vi sử dụng;
  2. Bản chất của tác phẩm gốc;
  3. Tỉ lệ và mức độ sử dụng tác phẩm gốc;
  4. Ảnh hưởng đến việc khai thác kinh tế của tác phẩm gốc.

Trong một số vụ kiện cụ thể, Tòa án Hoa Kỳ đã áp dụng cách tiếp cận trên để đưa ra phán quyết nghiêng về phía người tạo nên các tác phẩm “parody”. Ví dụ như vào năm 1993, hãng phim Paramount đã tạo ra poster quảng bá cho bộ phim “Naked Gun 33 1/3: The Final Insult” bằng cách nhại theo bức ảnh trên trang bìa tạp chí Vanity Fair số tháng 8/1991 do nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz thực hiện, thay thế hình ảnh nữ minh tinh Demi Moore bằng diễn viên chính Leslie Nielsen với cùng một tư thế tạo dáng. Trong vụ kiện “Leibovitz v. Paramount Picture Corp.” sau đó, các cấp Tòa án Hoa Kỳ đã áp dụng cách thức phân tích 04 yếu tố tại Điều 107 để xác định việc sử dụng bức ảnh gốc tạo nên bản poster giễu nhại trên là “sử dụng hợp lý”. Trong quá trình xét xử những vụ việc có tính chất tương tự, Tòa án Hoa Kỳ cũng đã xác lập một hệ thống quan điểm cho rằng:

– Thứ nhất, bản chất thương mại của các bản “parody” chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá, xác định mục đích và đặc trưng của hành vi sử dụng; và mức độ biến đổi tác phẩm gốc để đạt được tính hài hước càng nhiều thì các yếu tố khác càng ít được coi trọng.

– Thứ hai, tác phẩm giễu nhại hiếm khi sẽ thay thế các tác phẩm gốc vì mỗi bên phục vụ cho một nhu cầu thị trường khác biệt, do đó sẽ không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của tác phẩm gốc hay tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc.

Có thể nhận thấy, đánh giá chung của các nền pháp lý có truyền thống lâu đời về quyền tác giả đều cho rằng việc sử dụng tác phẩm với mục đích giễu nhại là một trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả. Điều đó phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật, đảm bảo quyền lợi của công chúng được thụ hưởng các tác phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của bản thân, đồng thời mở ra một thị trường sáng tạo thứ cấp sôi động. Vì lẽ đó, pháp luật Việt Nam có thể tìm một hướng tiếp cận linh hoạt đối với các tác phẩm giễu nhại, vừa đảm bảo quyền lợi của các tác giả tác phẩm gốc vừa tạo nên một không gian sáng tạo tự do, thích ứng với môi trường truyền thông số hiện nay.

  

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button