Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vậy, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như thế nào? Hãy cùng Nacilaw tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
-
Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Nhà đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh đối với các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Nhưng đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; và điều kiện khác theo quy định.
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường được quy định cụ thể tại Phụ lục I-A của Nghị định 31/2021/NĐ-CP; và Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện được quy định cụ thể tại Phụ lục I-B của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
-
Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
– Đối với các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
– Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.
– Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện được đăng tải trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (fdi.gov.vn).
– Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau: + Trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước; + Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
– Nhà đầu tư nước ngoài đã được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định pháp luật trước ngày văn bản pháp luật mới ban hành có hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo các điều kiện đó.
– Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau theo quy định phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.
– Nhà đầu tư nước ngoài không phải là thành viên WTO được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp có quy định khác.
– Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.
– Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó.
– Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau: + Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể; + Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó; + Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; + Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.
Trên đây là nội dung điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được viết ngắn gọn lại. Trường hợp Quý Khách Hàng cần tư vấn, giải đáp, làm rõ hơn nội dung áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường vui lòng liên hệ với Nacilaw để được hỗ trợ kịp thời.