Nhãn hiệu là gì?
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Tại một số quốc gia các khẩu hiệu quảng cáo hoặc các nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi (tác động lên khứu giác) được bảo hộ dưới dạng một nhãn hiệu.
Chức năng của nhãn hiệu:
Chức năng chính của 1 nhãn hiệu là giúp cho người tiêu dùng xác định một sản phẩm/dịch vụ của một công ty cụ thể nhằm phân biệt sản phẩm/dịch vụ đó với các sản phẩm giống hoặc tương tự có mặt trên thị trường đối với sự phổ biến như hiện tại.
Khi sản phẩm được tin dùng, khả năng quay vòng của sản phẩm được lặp lại hoặc tái sử dụng dịch vụ sẽ tăng lên. Việc này giúp cho các công ty rút ngắn được các khoản chi phí Marketing cũng như truyền thông tốn kém.
Nhãn hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Doanh nghiệp, cụ thể:
- Nhãn hiệu giúp cho khách hàng phân biệt được các sản phẩm với nhau;
- Giúp công ty phân biệt các sản phẩm của mình, nhất là đối với các công ty sản xuất và có nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau;
- Là công cụ dùng để tiếp thị, truyền thông, quảng cáo để xây dựng hình ảnh và danh tiếng cho Doanh nghiệp;
- Dùng để chuyển giao, li xăng và mang lại thêm các nguồn thu;
- Mang lại lợi thế đặc biệt trong quá trình đàm phán kinh doanh, M&A, giúp chủ sở hữu đạt được những ưu thế nhất định;
- Khuyến khích cho việc tuân thủ Sở hữu trí tuệ trên thị trường, có giá trị pháp lý và được nhà nước bảo vệ;
- Gắn kết tình cảm giữa khách hàng, đại lý, CTV với Doanh nghiệp; tạo ra những khách hàng, đại lý, CTV trung thành và tiến tới xây dựng Love Brand.
- Có thể sử dụng để thế chấp, vay vốn (Hiện tại ở Việt Nam ít xảy ra các trường hợp này)
Giá trị của nhãn hiệu:
Chúng ta không còn xa lạ với những thương hiệu tỷ đô như Apple; Google; IBM… Có một số Doanh nghiệp, giá trị của nhãn hiệu là tài sản duy nhất mà họ sở hữu. Khách hàng đánh giá cao về nhãn hiệu, họ sẽ quay trở lại để sử dụng sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu nhiều hơn. Do đó, một nhãn hiệu với hình ảnh và danh tiếng tốt mang lại lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của họ.
Tại sao Doanh nghiệp cần bảo vệ nhãn hiệu của mình?
Nhãn hiệu tại Việt Nam cần phải được đăng ký với cơ quan nhà nước và khi Doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, Doanh nghiệp mới có quyền sở hữu nhãn hiệu và được nhà nước bảo vệ.
Chúng ta nhận thức rõ về tầm quan trọng của nhãn hiệu, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức rõ ràng về việc xác lập quyền sở hữu cho nhãn hiệu của mình.
Nếu không đăng ký nhãn hiệu, Doanh nghiệp của bạn có thể đứng trước các nguy cơ:
- Đối thủ sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với sản phẩm/dịch vụ của bạn. Khách hàng có nguy cơ sử dụng sản phẩm kém chất lượng hơn hoặc Doanh nghiệp của bạn mất đi doanh thu đáng ra nên thuộc về bạn;
- Không có cơ sở để xử lý việc xâm phạm. Bởi theo quy định xác lập quyền của Luật Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu của bạn cần phải được đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá bởi Cơ quan nhà nước;
- Mất nhãn hiệu vào tay người khác, khi họ sử dụng nhãn hiệu của bạn đi đăng ký và được chấp thuận. Chi phí dành cho việc kiện tụng và thuê Luật sư là vô cùng tốn kém.