Tin tức

SỞ HỮu TrÍ TuỆ

Phân biệt hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ

Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường nhằm vào các hàng hóa của nhiều thương hiệu nổi tiếng và có uy tín được nhiều người tiêu dùng tin dùng. Các hàng hóa giả mạo xuất hiện ở nhiều lĩnh vực đặc biệt là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức, hàng may mặc, thời trang, rượu,…Thêm vào đó là sự phát triển của công nghệ, các đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ tinh vi để sản xuất hàng hóa giả mạo và thực sự khó nhận biết. Việc sản xuất hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng nhanh và phổ biến trên thị trường cũng như các trang internet. 

 

  1.         Nhận diện hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ

Hàng giả được hiểu đơn giản là hàng giả về chất lượng hoặc giả về hình thức (bao bì hàng hóa, nhãn hiệu) được sản xuất bởi chủ thể khác không được phép của chủ sở hữu nhằm gây ra sự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng không nhận diện và phân biệt được so với hàng thật. 

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hàng giả gồm 7 loại: 

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Trong 6 loại hàng giả được liệt kê ở quy định trên đều có chứa yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và giả mạo sở hữu trí tuệ. Tại Hiệp định TRIPs – Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên, cụ thể tại phần Footnote có định nghĩa rằng: “(a) “hàng hoá mang nhãn hiệu giả mạo” phải có nghĩa là bất cứ hàng hoá nào, kể cả bao bì, mang nhãn hiệu hàng hoá trùng với nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký hợp pháp cho hàng hoá đó, hoặc không thể phân biệt với nhãn hiệu đó về những khía cạnh cơ bản, mà không được phép và do vậy xâm phạm các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đó theo luật của nước nhập khẩu;”

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ về hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ bao gồm 3 loại: 

  • Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
  • Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

Do đó, có thể hiểu hàng giả bao gồm các loại hàng hóa giả mạo được liệt kê tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ được nêu tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ.

  1.         Chế tài áp dụng

Ngoài xử lý bằng biện pháp dân sự và biện pháp hành chính, việc sản xuất và buôn bán hàng giả còn được quy định là tội danh tại Bộ luật hình sự (Điều 192, 193, 194, 195), hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp và Điều 225 Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên việc áp dụng xử lý hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả có phải chịu trách nhiệm hình sự thì cần phải xét người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự hay không.

Sở dĩ pháp luật Việt Nam nội luật hóa hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ khi tham gia Hiệp định TRIPs được quy định tại Điều 61: “Các Thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng phải bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Các Thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và các hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại”.  

Hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả nếu như được kết luận là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự. Căn cứ theo Điều 226, chủ thể vi phạm có thể phải chịu hình phạt chính là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu hành vi đủ 3 yếu tố cấu thành tội phạm về (a) lỗi cố ý; (b) đối tượng xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo; (c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Trường hợp pháp nhân thương mại là người thực hiện hành vi, pháp nhân thương mại cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 226 nếu cùng lúc thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm sau: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi với lỗi cố ý; đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo; hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. 

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 đến 03 năm.

Trên đây là một số phân tích và các quy định pháp luật về hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ. Hy vọng sẽ đem lại thông tin hữu ích đến bạn đọc. Hãy liên hệ với Nacilaw nếu bạn đọc cần hỗ trợ tư vấn cụ thể. 

Vuong Oanh – IP Consultant

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button