Tin tức

V

Phân biệt ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và thủ tục phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật, luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã mang đến nhiều những thay đổi tích cực nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, luật sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bên cạnh yêu cầu của bên thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ. Vậy, hai quy định này được hiểu như thế nào và khác biệt ra sao, hãy cùng Nacilaw tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé.

Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ đã được quy định tại điều 112 của các văn bản Luật Sở hữu trí tuệ trước đây. Tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022, nội dung này được quy định như sau:

“Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ.

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.”

Nội dung quy định đã được bổ sung tính chất pháp lý của văn bản nêu ý kiến của người thứ ba.

Phản đối cấp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp lần đầu tiên được luật hóa và thể hiện tại điều 112.a Luật Sở hữu trí tuệ 2022:

“Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

  1. Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:
  2. a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;
  3. b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;
  4. c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;
  5. d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.
  6. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí. 
  7. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.”

Sự khác biệt của hai quy định được thể hiện tại hai khía cạnh:

        Về thời gian: Trong khi ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ không bị giới hạn thời gian khi có thể thực hiện trong suốt thời gian kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng thì phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp lại ấn định mốc thời gian cụ thể đối với từng đối tượng mà trong thời gian đó người thứ ba mới được phép thực hiện thủ tục này.

        Về trách nhiệm xử lý của Cơ quan nhà nước: Trong khi văn bản nêu ý kiến của người thứ ba chỉ được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thì văn bản phản đối cấp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ được Cơ quan nhà nước xử lý, việc xử lý ý kiến phản đối này được quy định là trách nhiệm của Cơ quan nhà nước.

Như vậy, trong hai thủ tục nêu trên, thủ tục phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có tính chất pháp lý cao hơn, tác động mạnh mẽ hơn vào đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Việc phân định hai thủ tục này giúp cho người thứ ba có thể chủ động, nhanh chóng thực hiện thủ tục phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tại Nacilaw – Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp, Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng như bảo vệ nhóm quyền này. Với tiêu chí Hiệu quả – Tiết kiệm chi phí – Tận tâm, với Đội ngũ Luật sư và Chuyên gia tư vấn có hiểu biết sâu rộng nhiều kinh nghiệm, Nacilaw luôn cố gắng đem lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nếu bạn cần tư vấn, hãy liên hệ ngay với Chúng tôi, Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button