Tin tức

Z4159780957006 0fc14294b1598f3add0b8daabd52e32b

PHỞ THÌN VÀ CÂU CHUYỆN BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, việc người tiêu dùng quyết định lựa chọn một hàng hóa/dịch vụ thường xuất phát từ chính mong muốn lựa chọn thương hiệu mang hàng hóa/dịch vụ đó. Do vậy, để nâng cao hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng xây dựng một thương hiệu khác biệt, đáng tin cậy, cùng với đó là việc thực hiện hoạt động đăng ký để bảo vệ thương hiệu của mình.

Sẽ ra sao khi trên thị trường cùng xuất hiện các thương hiệu trùng lặp/tương tự khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, không thể phân biệt? Chắc hẳn đến đây, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trường hợp thương hiệu “Phở Thìn” đang gây tranh cãi trong thời gian vừa qua. Hãy cùng Nacilaw điểm mặt các nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Picture2 Picture3

Theo ghi nhận tại nguồn cơ sở dữ liệu wipopublish của Cục Sở hữu trí tuệ, có tới 13 đơn đăng ký mang tên “Phở Thìn” cùng yêu cầu bảo hộ cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43). Trong đó, chỉ có 2 đơn đăng ký đã được cấp văn bằng bảo hộ thuộc sở hữu của ông Bùi Chí Đạt (Đơn đầu tiên được nộp năm 2003, hết hạn bảo hộ vào năm 2013 và đơn thứ hai nộp năm 2014, đang được bảo hộ tới ngày 26/12/2024, có đồng chủ sở hữu là bà Bùi Thị Thanh Nhàn), đây chính là thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ có địa chỉ tại số 61 Đinh Tiên Hoàng.

Các đơn đăng ký còn lại hoặc đang trong quá trình giải quyết hoặc đã bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có các đơn đăng ký “Phở Thìn 13 Lò Đúc” của ông Nguyễn Trọng Thìn hay của ông Đoàn Trung Hải – truyền nhân của ông Thìn. Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm chung của các đơn đăng ký này là đều chứa thành phần chính trùng lặp với nhãn hiệu “Phở Thìn” đang được bảo hộ, mặc dù đã được thêm các thành phần khác như địa chỉ “13 Lò Đúc”, “13 Lò Đúc – Hà Nội”, số “1979” hay hình vẽ ông Nguyễn Trọng Thìn. Căn cứ điểm e khoản 2 điều 74 Luật SHTT, các đơn đăng ký này đều được coi là không có khả năng phân biệt, không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Như vậy, hiện tại ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn là đồng chủ sở hữu hợp pháp duy nhất của nhãn hiệu “Phở Thìn” tại Việt Nam. Việc sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” của Ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Trung Hải được xem là hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 129 Luật SHTT: “Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”.

Theo đó, với tư cách là đồng chủ sở hữu của nhãn hiệu, ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn hoàn toàn có quyền ngăn cấm bất kỳ ai sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn” trong lĩnh vực ăn uống trên toàn lãnh thổ Việt Nam thông qua các biện pháp dân sự. Ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Trung Hải hoàn toàn có thể bị buộc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm của mình.

Thông qua câu chuyện này, Nacilaw muốn nhấn mạnh tính cấp thiết, tầm quan trọng trong việc bảo hộ nhãn hiệu tới bạn đọc.

Trước khi lựa chọn đồng hành với một nhãn hiệu, các nhà kinh doanh cần liên hệ với đơn vị có chuyên môn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ để kiểm tra nhãn hiệu đó có đang xâm phạm quyền nhãn hiệu nhãn hiệu của người khác hay không và khả năng đăng ký như thế nào.

Sau khi lựa chọn được nhãn hiệu phù hợp, cần tiến hành nộp đơn đăng ký ngay để đảm bảo quyền nộp đơn đầu tiên.

Sau khi nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, cần lưu ý thời điểm tiến hành gia hạn để được tiếp tục sở hữu nhãn hiệu.

Trong quá trình sở hữu nhãn hiệu, cần thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý xâm phạm kịp thời thông qua nguồn cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, các kênh truyền thông, mạng xã hội.

Đối với các nhà đầu tư có định hướng nhận nhượng quyền thương mại, cần kiểm tra tình trạng pháp lý của nhãn hiệu thuộc hệ thống nhượng quyền. Ngoài ra, cần kiểm tra trên thị trường có đang tồn tại các nhãn hiệu trùng lặp/tương tự gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại của nhãn hiệu hay không.

MẪN HOA

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button