Sản xuất và kinh doanh rượu thủ công đang trở thành một ngành nghề hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức pháp lý. Để đảm bảo hoạt động hợp pháp và hiệu quả, các cơ sở sản xuất rượu thủ công cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ và kiểm soát chất lượng rượu. Việc tuân thủ các quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo dựng uy tín cho thương hiệu. Hãy cùng tìm hiểu những quy định pháp luật quan trọng đối với sản xuất và kinh doanh rượu thủ công trong bài viết này.
Nội dung:
1. Khái niệm sản xuất rượu thủ công
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP về Kinh doanh rượu, sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.
2. Sản xuất rượu thủ công có phải xin giấy phép không?
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, nguyên tắc quản lý rượu phải tuân thủ theo quy định như sau:
- Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.
- Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
- Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải xin giấy phép
3. Điều kiện sản xuất rượu thủ công
a) Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định, bao gồm
- Về chất lượng và an toàn thực phẩm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Thủ tục công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan (Điều 5 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).
- Về dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu: Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại (Điều 6 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 3 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).
b) Điều kiện sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại
- Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
- Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
4. Thủ tục xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
a) Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.
- Bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.
b) Phương thức nộp hồ sơ
- Cách 1: Nộp tại bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Cách 2: Nộp qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi cơ sở sản xuất rượu đặt trụ sở chính.
c) Thời hạn của Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
Thời hạn của Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép phân phối rượu, Giấy phép bán buôn rượu, Giấy phép bán lẻ rượu là 05 năm.