Tin tức

Nghi Dinh Thu Madrid Va Thoa Uoc Madrid Nacilaw

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THỎA ƯỚC MADRID VÀ NGHỊ ĐỊNH THƯ MADRID LIÊN QUAN ĐẾN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU QUỐC TẾ.

Hệ thống Madrid liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế bao gồm Thỏa ước Madrid được thiết lập năm 1891 và Nghị định thư Madrid liên quan đến Thỏa ước được thiết lập năm 1989. Hệ thống này với hai hiệp ước đều có chung mục tiêu là nhằm bảo hộ quốc tế nhãn hiệu ở một số lượng lớn các quốc gia bằng cách có được một đăng ký quốc tế có hiệu lực tại mỗi bên quốc gia được chỉ định. Đây là phương thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thế giới hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đặc biệt dễ dàng kiểm soát tài sản trí tuệ của mình khi tiến hành bảo hộ toàn cầu so với hình thức Chủ đơn phải tự tiến hành đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia muốn được bảo hộ.

Tuy nhiên, từ ngày 31 tháng 10 năm 2015, tất cả các thành viên của Thỏa ước Madrid đều là thành viên của Nghị định thư Madrid. Nghị định thư Madrid ra đời sau làm cho hệ thống Madrid linh hoạt hơn và tương thích hơn với luật pháp trong nước của một số quốc gia hoặc tổ chức liên chính phủ mà không thể tham gia Thỏa thuận. Khi Nghị định thư được ưu tiên hơn Thỏa thuận, Nghị định thư đã chi phối tất cả các đơn đăng ký cũng như các văn bằng đăng ký quốc tế; và dường như Thỏa thuận Madrid có vẻ như “dư thừa” do các Chủ đơn không có hoạt động nào theo Thỏa thuận này. Để hiểu rõ hơn được các ưu điểm của Nghị định thư Madrid, bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số điểm nổi bật mà Nghị định thư Madrid đã mang lại trong khi Thỏa ước Madrid không có quy định này.

Thứ nhất, về chủ thể có thể sử dụng hệ thống này:

  • Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế được nộp bởi một cá nhân hay thực thể pháp lý có mối liên hệ thông qua việc thành lập, cư trú, có quốc tịch tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước hoặc Nghị định thư Madrid.
  • Tuy nhiên, nếu theo Nghị định thư Madrid, Chủ đơn được tự do lựa chọn quyền nộp đơn và “Văn phòng xuất xứ” dựa trên một cơ sở công nghiệp/thương mại được thành lập và hoạt động có thực, hiệu quả, hay nơi cư trú hoặc quốc tịch thì khi đó, nguyên tắc quyền “cascade” (xếp tầng) của Thỏa ước Madrid không còn được áp dụng. Cụ thể, nếu theo nguyên tắc này, Chủ đơn phải lựa chọn theo thứ tự; đầu tiên phải chọn quốc gia nơi mà họ có thành lập một cơ sở công nghiệp/thương mại có thực và hoạt động hiệu quả; nếu không có cơ sở như vậy thì tiếp theo họ sẽ lựa chọn quốc gia nơi họ cư trú; nếu không có quốc gia nơi họ cư trú thì họ dựa vào quốc gia mà họ mang quốc tịch. Quy định này cho Chúng ta thấy được tính linh hoạt của Nghị định thư Madrid mang lại.

Thứ hai, về đơn và chi phí đăng ký quốc tế:

  • Một nhãn hiệu chỉ có thể là đối tượng của một đơn đăng ký quốc tế nếu nó đã được cấp văn bằng tại Văn phòng nhãn hiệu của bên ký kết mà người nộp đơn có các mối liên hệ cần thiết (được gọi là Văn phòng xuất xứ) theo Thỏa ước Madrid. Tuy nhiên, nếu chỉ định theo Nghị định thư Madrid, đơn đăng ký quốc tế có thể chỉ đơn giản dựa trên đơn mới nộp tại Văn phòng xuất xứ (chưa cần được cấp văn bằng). Ưu điểm này làm cho các Chủ đơn có thể dựa vào đơn đăng ký mới nộp để sớm quyết định đăng ký quốc tế mà không cần chờ đến khi nhãn hiệu xuất xứ đã được cấp văn bằng bảo hộ và ngoài ra, Chủ đơn có thể tận dụng quyền ưu tiên dựa trên đơn xuất xứ nếu còn thời hạn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên là 06 tháng theo Công ước Paris.
  • Việc chỉ định của một bên ký kết nhất định được thực hiện theo Thỏa thuận hoặc Nghị định thư, tùy thuộc vào hiệp ước nào phổ biến cho các bên ký kết liên quan. Nếu cả hai bên ký kết là thành viên của Thỏa thuận và Nghị định thư, việc chỉ định sẽ được điều chỉnh bởi Nghị định thư.
  • Chủ đơn phải nộp các loại phí bao gồm:
  • phí cơ bản (giảm 10% cho các Chủ đơn xuất xứ từ quốc gia LDC (quốc gia kém phát triển) theo danh sách Liên Hợp Quốc (UN) quy định);
  • phí bổ sung cho mỗi nhóm hàng hóa dịch vụ vượt quá 3 nhóm đầu tiên (nếu có);
  • phí bổ sung cho mỗi quốc gia chỉ định.

Tuy nhiên, nếu nộp theo Nghị định thư Madird, chi phí bổ sung cho mỗi quốc gia chỉ định sẽ được thay thế bằng phí riêng với số tiền được xác định bởi quốc gia thành viên liên quan. Chi phí riêng có thể cao hơn chi phí bổ sung, tuy nhiên cũng sẽ không cao hơn chi phí đăng ký nhãn hiệu trực tiếp ở cấp độ quốc gia.

Thứ ba, về thời hạn tuyên bố cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối cấp văn bằng của từng quốc gia được chỉ định:

Văn phòng quốc tế sẽ thẩm định hình thức đơn đăng ký quốc tế, nếu không có thiếu sót hay bất thường nào khác, Văn phòng quốc tế sẽ ghi nhận và đăng lên công báo quốc tế của Tổ chức SHTT thế giới WIPO và thông báo tới các quốc gia được chỉ định trong đơn để tiến hành thẩm định nội dung theo pháp luật từng quốc gia.

  • Theo Thỏa ước Madrid, Văn phòng các quốc gia thông thường sẽ gửi thông báo kết quả thẩm định trong vòng 12 tháng tới Văn phòng quốc tế về việc nhãn hiệu có đáp ứng điều kiện bảo hộ theo pháp luật quốc gia họ hay không. Tuy nhiên, quốc gia thành viên của Nghị định thư có thể tuyên bố thời hạn này được kéo dài đến 18 tháng; ngoài ra một văn bản từ chối dựa trên ý kiến phản đối của bên thứ 03 cũng có thể gửi tới WIPO sau thời hạn 18 tháng.
  • Việc từ chối được thông báo cho Chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc Đại diện của chủ sở hữu trước Văn phòng Quốc tế, được ghi lại trong Sổ đăng ký quốc tế và được công bố trên Công báo. Thủ tục sau khi từ chối (như kháng cáo hoặc xem xét thẩm định lại) được thực hiện trực tiếp bởi Cơ quan quốc gia có thẩm quyền và/hoặc Tòa án của bên ký kết liên quan và Chủ sở hữu/Đại diện của Chủ sở hữu, mà không có sự tham gia của Văn phòng Quốc tế. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng liên quan đến việc từ chối phải được thông báo cho Văn phòng Quốc tế, nơi ghi nhận và công bố nó.

Thứ tư, về việc chuyển đổi đăng ký quốc tế thành đơn đăng ký quốc gia:

Theo như phân tích trên, một đơn đăng ký quốc tế thông qua Nghị định thư Madrid có thể dựa trên đơn đăng ký cơ sở (chưa được cấp văn bằng). Vậy trong trường hợp đơn đăng ký cơ sở này không được quốc gia cơ sở cấp văn bằng bảo hộ ngay tại nước sở tại; hay trường hợp văn bằng bảo hộ đã được cấp nhưng bị hủy bỏ hiệu lực bởi bất kỳ lý do nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của đơn đăng ký quốc tế trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày đăng ký quốc tế (hiệu lực phụ thuộc 05 năm).

  • Vì vậy, Nghị định thư Madrid đã có quy định về việc chuyển đổi đơn đăng ký quốc tế thành đơn đăng ký quốc gia để giảm thiểu hậu quả trong giai đoạn phụ thuộc 05 năm này. Theo đó, đơn đăng ký quốc tế bị hủy theo yêu cầu của văn phòng gốc (văn phòng xuất xứ) có thể được chuyển đổi thành đơn quốc gia/khu vực đối với các thành viên tương ứng mà đăng ký quốc tế có hiệu lực; được hưởng lợi ích từ ngày đăng ký quốc tế hoặc ngày chỉ định bổ sung hoặc ngày ưu tiên tương ứng;
  • Trong khi đó, Thỏa ước Madrid không có cơ chế chuyển đổi đơn này.

Thứ năm, thời hạn hiệu lực nhãn hiệu quốc tế:

Nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Nghị định thư Madrid có hiệu lực trong thời hạn 10 năm, trong khi đó Thỏa ước Madrid là 20 năm và đều được gia hạn nếu Chủ sở hữu có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhãn hiệu.

Thứ sáu, về thành viên của Hệ thống Madrid:

  • Một tổ chức liên chính phủ (tổ chức nhiều quốc gia thành lập) có thể là thành viên của Nghị định thư Madrid nếu duy trì văn phòng riêng để đăng ký nhãn hiệu và có hiệu lực trong lãnh thổ của tổ chức đó, đồng thời có ít nhất một trong các quốc gia thành viên của tổ chức này là một bên tham gia Công ước Paris; sau đó tổ chức phải thực hiện thủ tục gia nhập và phê chuẩn bởi Tổng Giám đốc WIPO. Trong khi đó, tổ chức liên chính phủ không thể là thành viên của Thỏa ước Madrid.

Một số tổ chức liên chính phủ như: ARIPO; CHÂU ÂU; …

Khi chỉ định một tổ chức thành viên, nhãn hiệu sẽ có hiệu lực pháp lý tại tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức đó.

  • Hiện tại, số lượng quốc gia/tổ chức thành viên của Nghị định thư Madrid là 114 thành viên (bao gồm 130 quốc gia khác nhau); trong khi đó Thỏa ước Madrid chỉ có 55 thành viên (cập nhật mới nhất của Tổ chức SHTT thế giới WIPI đến ngày 06/02/2023). Điều này cũng cho thấy rằng, Nghị định thư đã kết nối được nhiều quốc gia thành viên hơn dựa trên những lợi ích của chính nó và cũng từ đó đã tạo nên sự thuận tiện cho Chủ đơn đăng ký nếu lựa chọn đồng thời được nhiều quốc gia/khu vực thông qua hình thức này.

Trên đây là những điểm khác biệt giữa Thỏa ước madrid và Nghị định thư madrid liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Để hiểu rõ hơn về hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu cũng như được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, Bạn đọc vui lòng liên hệ Đại diện Sở hữu công nghiệp Nacilaw để được hỗ trợ tư vấn.

Hồ Thùy Trang

IP Consultant

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button