Tư vấn doanh nghiệp

Picture1

TẠM HOÃN XUẤT CẢNH DO NỢ THUẾ

       Xuất cảnh là một trong những quyền của con người – quyền tự do đi lại của công dân. Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019: “Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam”. Để được xuất cảnh thì công dân Việt Nam phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (sửa đổi năm 2023):

“1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy tờ cuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;

b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;

c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng”.

       Quy định của pháp luật hiện nay chưa nhắc đến những trường hợp cấm xuất cảnh. Tuy nhiên pháp luật có quy định về những trường hợp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019. Theo đó, trong các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, tại Khoản 5 Điều 36 Luật này có nói đến: “Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

       Các trường hợp phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh cũng được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế.

       Như vậy, cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp đang còn nợ thuế hay nói cách khác là chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình tại Việt Nam thì bị tạm hoãn xuất cảnh ra nước ngoài chứ không cấm. Giải pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các trường hợp theo quy định là nhằm đảm bảo các chủ thể phải tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đảm bảo ngăn ngừa khả năng trốn nghĩa vụ thuế.

       Hiện nay, số lượng cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế ở nước ta ngày càng gia tăng. Việc nợ thuế của các cá nhân, doanh nghiệp xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: do cá nhân, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế tài chính, không đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế hay trong một số trường hợp cá nhân, doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế; một nguyên nhân khác do các cá nhân, doanh nghiệp không biết rằng mình đang còn nợ thuế.

       Trong các trường hợp người đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ vài chục tỷ đồng nhưng cũng có doanh nghiệp nợ chỉ vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn đồng.

       Theo Quyết định số 1129/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế về việc ban hành quy trình quản lý nợ, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ:

      Một là, đối với người nộp thuế chỉ có khoản nợ từ 1 ngày đến 30 ngày thì công chức thuộc bộ phận quản lý nợ, cơ quan Thuế sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc bằng điện thoại hoặc gửi tin nhắn hoặc gửi thư điện tử cho người nộp thuế để thông báo về số tiền thuế nợ.

      Hai là, người nộp thuế có khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên, công chức thuế sẽ ban hành Thông báo tiền thuế nợ. Các khoản nợ của người nộp thuế tại Thông báo tiền thuế nợ bao gồm các khoản nợ mới phát sinh từ một ngày trở lên. Sau đó, trình lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử thì cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính hoặc gửi trực tiếp.

      Ba là, đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày, công chức thuộc bộ phận quản lý nợ thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công chức thuộc bộ phận tham gia quy trình phối hợp thực hiện đôn đốc nợ.

      Sau khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế như thông báo ngưng sử dụng hóa đơn, tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, phong tỏa tài khoản…nhưng người nộp thuế vẫn không chấp hành thì cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp đó sẽ gửi Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

      Quy định hiện hành không đưa ra ngưỡng nợ thuế, không có những giải pháp linh động đối với từng trường hợp có thể vì lý do nào đó những người có nghĩa vụ nộp thuế này không biết được việc bị cưỡng chế thuế, không nhận được các thông báo về số tiền thuế nợ và thông báo tạm hoãn xuất cảnh nên phát sinh trường hợp vì còn nợ thuế một khoản rất nhỏ nhưng vẫn bị áp tạm hoãn xuất cảnh. Vấn đề này nên có phương án xác nhận người nộp thuế nhận được các thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh; cần có giải pháp để họ có thể khắc phục ngay những khoản nợ thuế nhỏ,…

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button