Tư vấn doanh nghiệp

Pexels brett jordan 10395246

TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Luật Doanh nghiệp 2020 không có định nghĩa về tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định: “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp”. Có thể hiểu rằng, tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời không thực hiện những hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng, không được xuất hóa đơn hay có bất kỳ hoạt động nào khác trong thời gian tạm ngừng.

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tạm ngừng kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Thời gian tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo tối đa là một năm và không giới hạn số lần tạm ngừng liên tiếp. Hồ sơ gồm có:

  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh;
  • Quyết định của Chủ sở hữu/Hội đồng Quản trị/Hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kèm biên bản họp đối với Công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh:

  • Tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phải tạm ngừng kinh doanh cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp không phát sinh nghĩa vụ thuế nên không phải nộp tờ khai thuế cho khoảng thời gian đó;

Điểm a, Khoản 2, Điều 4, Nghị Định 126/2020/NĐ-CP quy định “Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm”.

Như vậy, thời gian tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp không phải nộp báo cáo thuế. Nhưng nếu có một ngày không ngưng trong kỳ báo cáo thì doanh nghiệp phải nộp báo cáo thuế cho kỳ đó.

Khoản 5, Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị đinh 22/2020/NĐ-CP quy định: “Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Như vậy, chỉ cần thông báo tạm ngừng kinh doanh trước ngày 30/1 thì doanh nghiệp không phải nộp lệ phí môn bài cho năm tạm ngưng nếu chưa nộp lệ phí, nếu đã nộp lệ phí rồi thì không được hoàn lại. Tuy nhiên, lệ phí môn bài thì được miễn nhưng nghĩa vụ nộp báo cáo thuế cho kỳ đầu tiên của năm doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng dẫn ở lưu ý trên. Do đó, để không phải nộp lệ phí môn bài đồng thời không phải nộp báo cáo thuế cho kỳ đầu tiên của năm (không phải báo cáo thuế trọn năm) thì doanh nghiệp nên thông báo tạm ngừng trọng năm dương lịch (tức là từ 01/01 đến 31/12).

  • Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác
  • Ngoài ra, trường hợp chủ doanh nghiệp đã tìm được phương hường giải quyết khó khăn của công ty trước khi hết hạn tạm ngừng thì vẫn có thể làm thủ tục tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã đăng ký.

Hậu quả pháp lý của việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh:

Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và buộc khắc phục hậu quả về việc vi phạm các nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 50, Nghị định 122/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế hoạch đầu tư. Cụ thể:

Điều 50. Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

c) Buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”

Doanh nghiệp có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button