Căn cứ pháp lý:
- Luật Du lịch 2017;
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch;
- Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch;
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Do có nhiều ưu thế về tự nhiên nên ngành du lịch ở Việt Nam luôn là một trong những ngành phát triển nhất, kéo theo đó là rất nhiều các công ty du lịch được thành lập. Do hoạt động du lịch gắn với nhiều hoạt động đi kèm như ăn uống, vui chơi, vận tải nên để thành lập một công ty du lịch cần đáp ứng không ít các điều kiện theo quy định pháp luật, cụ thể như sau:
- Công ty du lịch là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
Cũng theo Luật Du lịch 2017, hoạt động kinh doanh du lịch bao gồm các hoạt động kinh doanh sau:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành: Bao gồm kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
- Kinh doanh vận tải hành khách du lịch;
- Kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch;
- Kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác gồm: Dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.
Như vậy có thể hiểu, công ty du lịch là các công ty được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, đăng ký kinh doanh các ngành nghề về kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải hành khách du lịch, dịch vụ lưu trú du lịch, các dịch vụ khác phục vụ khác du lịch và đáp ứng các điều kiện để kinh doanh các dịch vụ đó (nếu có).
- Điều kiện để hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch là gì?
Mỗi hoạt động kinh doanh sẽ có những điều kiện kinh doanh riêng, cụ thể như sau:
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật du lịch 2017, Khoản 1 Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng với mức ký quỹ là 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Các chuyên ngành về lữ hành bao gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành và Quản lý và kinh doanh du lịch.
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật du lịch 2017, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng với mức ký quỹ cụ thể như sau:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Các chuyên ngành về lữ hành bao gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành và Quản lý và kinh doanh du lịch.
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch:
Công ty du lịch cần đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải; điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên từng loại phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật để có thể kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách du lịch.
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017, điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
- Điều kiện kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch khác:
Đối với dịch vụ mua sắm, công ty du lịch cần:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật;
- Thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa;
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Đối với dịch vụ ăn uống, công ty du lịch cần có:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luậ;
- Phòng ăn có đủ ánh sáng; có hệ thống thông gió; có bàn, ghế hoặc chỗ ngồi thuận tiện; nền nhà khô, sạch, không trơn, trượt; đồ dùng được rửa sạch và để khô; có thùng đựng rác;
- Có thực đơn bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần) kèm theo hình ảnh minh họa;
- Bếp thông thoáng, có khu vực sơ chế và chế biến món ăn riêng biệt; có trang thiết bị bảo quản và chế biến thực phẩm;
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Đối với dịch vụ thể thao đạt, công ty du lịch cần có:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ thể thao theo quy định của pháp luật;
- Có nội quy bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần); có nơi đón tiếp, nơi gửi đồ dùng cá nhân và phòng tắm cho khách;
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ luyện tập và thi đấu; có dịch vụ cho thuê dụng cụ tập luyện, thi đấu phù hợp với từng môn thể thao;
- Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ, nhân viên cứu hộ phù hợp với từng môn thể thao.
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, công ty du lịch cần có:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật;
- Có nội quy; có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân;
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện phù hợp với từng loại dịch vụ vui chơi giải trí;
- Có người hướng dẫn, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ vui chơi, giải trí.
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, công ty du lịch cần có:
- Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật;
- Có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân;
- Có nội quy, quy trình bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần); có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với từng loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
- Có nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo.
- Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.
Có thể thấy, dù kinh doanh trong mảng nào thì để hoạt động kinh doanh trước hết cần phải thành lập một công ty du lịch theo đúng quy định pháp luật.
- Cần lưu ý gì khi thành lập công ty du lịch?
- Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh phù hợp:
Trước khi thành lập, công ty cần lựa chọn những ngành, nghề sao cho phù hợp với các hoạt động kinh doanh du lịch mà công ty dự kiến hoạt động. Một số ngành, nghề có thể đăng ký như:
- Mã 7911: Đại lý du lịch;
- Mã 7912: Điều hành tua du lịch;
- Mã 7990: Dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
- Mã 4932: Vận tải hành khách đường bộ khác;
- Mã 5510: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày;
- Mã 5590: Cơ sở lưu trú khác;
- Loại hình công ty, tên công ty, địa chỉ công ty và vốn điều lệ công ty:
Trước khi thành lập, việc lựa chọn loại hình công ty, tên công ty, địa chỉ công ty và vốn điều lệ công ty là rất cần thiết.
Về loại hình công ty, doanh nghiệp cần chọn loại hình công ty phù hợp dựa trên các điều kiện thực tế về vốn, số lượng thành viên, … để có thể đăng ký kinh doanh.
Về tên công ty, công ty có thể lựa chọn tên, tuy nhiên cần lưu ý các vấn đề quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Tên công ty không được trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Về địa chỉ, công ty có thể sử dụng địa chỉ nhà riêng hoặc thuê văn phòng, không được sử dụng địa chỉ giả, địa chỉ nhà chung cư hay tập thể làm địa chỉ công ty;
- Về vốn điều lệ, công ty du lịch không có quy định về giới hạn tối thiểu hay tối đa vốn điểu lệ, tuy nhiên công ty cần cân nhắc về vấn đề ký quỹ và nguồn tài chính thực tế do vốn điều lệ của công ty phải được góp đầy đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Thủ tục thành lập công ty du lịch như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để thành lập công ty cần tiến hành những bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
- Tùy thuộc vào loại hình công ty, hồ sơ thành lập công ty sẽ có thể thay đổi, tuy nhiên về cơ bản sẽ bao gồm những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu, các cổ đông và thành viên công ty;
Bước 2: Hồ sơ sau khi được chuẩn bị đầy đủ sẽ được nộp lên cơ quan có thẩm quyền và sẽ có kết quả trong vòng 03 ngày làm việc nếu hồ sơ đúng và hợp lệ.
Bước 3: Công ty thực hiện các thủ tục về khắc con dấu, thuế, lập tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, đối với mỗi phạm vi dịch vụ kinh doanh đều có điểu kiện kinh doanh như trên, do đó công ty cần thực hiện các thủ tục và xin các giấy phép cần thiết để kinh doanh các dịch vụ du lịch công ty đăng ký.