Dịch vụ lữu hành tại Việt Nam hiện được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, do đây là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại và chính thức được lãnh đạo Chính phủ đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/03/2022.
Vậy kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì? Phạm vi hoạt động như thế nào? Doanh nghiệp cần phải đáp ứng được điều kiện gì để đi vào hoạt động? Quy trình, thủ tục để xin Giấy phép Outbound và Inbound ra sao? NaciLaw xin đưa ra một số ý kiến tư vấn cùng với các quy định pháp luật có liên quan.
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành và phạm vi hoạt động
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật du lịch 2017 thì kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
Kinh doanh dịch vụ lữu hành sẽ bao gồm các hoạt động sau:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
Lưu ý:
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa;
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- Điều kiện để đi vào hoạt động đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 Luật đầu tư 2020 quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật doanh nghiệp 2020 doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Đồng thời kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động là hành vi cấm tại Khoản 6 Điều 16 Luật doanh nghiệp 2020.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng, cụ thể: (i) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng; (ii) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng; (iii) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng”.
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Lưu ý: Đối với việc ký quỹ tại Ngân hàng, doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
- Quy trình và thủ tục xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Tổng cục Du lịch;
Bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành đáp ứng điều kiện tại mục 2;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến Tổng cục Du lịch (Tổng cục Du lịch kiểm tra hình thức và thẩm định nội dung hồ sơ)
Bước 3: Sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình các nội dung liên quan đến điều kiện cấp giấy phép (nếu có)
Bước 4: Nhận kết quả
Do vậy, để thực hiện kinh doanh dịch vụ lữ hành doanh nghiệp cần phải kiểm tra, đánh giá, cân nhắc điều kiện ngành, nghề, tính khả thi và đặc biệt nên tìm đến một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để được hỗ trợ toàn bộ quy trình, nhằm giảm thiểu các rủi ro, giúp thủ tục pháp lý được rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh được nhanh chóng.
LE PHAT DAT
(Legal Consultant)