Trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài, việc góp vốn đúng thời hạn là rất quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan trong quá trình triển khai hoạt động dự án, vận hành doanh nghiệp nên có nhiều trường hợp Nhà đầu tư góp vốn không đúng thời hạn. Vậy hậu quả pháp lý phải chịu khi Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn không đúng thời hạn là gì? Nacilaw xin đưa ra quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cùng với các quy định pháp luật có liên quan.
- Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là công ty có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Hai hình thức đầu tư phổ biến trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài:
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:
Một hình thức để thành lập một công ty có vốn đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư sẽ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của một công ty thành lập tại Việt Nam. Đối với hình thức này, sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn, hoàn thành việc thanh toán giá trị phần cổ phần và vốn góp đã đăng ký mua, công ty cần tiến hành đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế:
Đối với hình thức này, trước tiên, nhà đầu tư cần xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư; sau đó, Nhà đầu tư cần xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập tổ chức kinh tế.
Sau khi công ty được thành lập cần mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để nhà đầu tư thực hiện thủ tục góp vốn theo đúng thời hạn theo quy định pháp luật về Doanh nghiệp và góp đủ vốn đầu tư theo thời hạn cam kết góp vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thời hạn góp vốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế sẽ là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong các thời hạn nêu trên, nhà đầu tư cần phải thực hiện góp đầy đủ số vốn điều lệ đã đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký đăng ký doanh nghiệp và góp đủ vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không thể góp đủ vốn trong thời hạn này, nhà đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Xử phạt vi phạm hành chính khi công ty có vốn đầu tư nước ngoài không góp đủ vốn:
- Đối với hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
Do trong hình thức này, nhà đầu tư và công ty vốn Việt Nam sẽ thỏa thuận thanh toán, cụ thể sẽ phải góp đủ vốn trước khi thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đối với tổ chức kinh tế sau khi nhận phần vốn góp, cần lưu ý tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông, thành viên công ty khi đã hoàn thành việc mua cổ phần, phần vốn góp theo đúng thời hạn quy định pháp luật về Doanh nghiệp,Trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
- Đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
Việc nhà đầu tư không góp đủ vốn đầu tư theo thời hạn cam kết trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể là:
“2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Không thực hiện theo đúng nội dung tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- b) Không thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư và các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
- c) Ngừng hoạt động của dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng.”
Như vậy theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 19 trên đây, nhà đầu tư khi không góp đủ vốn đầu tư đúng thời hạn ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Bên cạnh mức phạt được ghi nhận tại điều khoản trên, ngoài ra trường hợp nhà đầu tư không góp đủ điều lệ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nhà đầu tư còn bị xử phạt đối với hành vi không điều chỉnh vốn khi đã hết thời hạn mà không góp đủ vốn. Cụ thể, Khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định:
“3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
- b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.”
Theo quy định này, nhà đầu tư không góp đủ vốn trong thời hạn mà không thực hiện điều chỉnh vốn của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và sau đó, nhà đầu tư sẽ buộc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn.
LE PHAT DAT
(Legal Consultant)