Tư vấn đầu tư

Điều Chỉnh Mục Tiêu, Quy Mô Của Dự án đầu Tư

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG, QUY MÔ DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRÊN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ

Quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư luôn có sự biến động, thay đổi để ngày càng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cũng có thể vì một số lý do mà cần thu hẹp lại. Chính vì vậy, việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ tập trung nhiều vào nội dung mục tiêu hoạt động và quy mô của dự án. Tuy pháp luật đầu tư của Việt Nam đã đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có thời gian để tìm hiểu trong các văn bản này, cũng như trên thực tế việc thực hiện thủ tục hành chính cũng có thể gặp nhiều sự khác biệt so với quy định của pháp luật.

Trong bài viết này, Nacilaw xin đưa ra quy định và cách thức thực hiện, cũng như kinh nghiệm đăng ký điều chỉnh nội dung mục tiêu hoạt động, quy mô dự án trong dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư như sau:

1. Thành phần hồ sơ điều chỉnh mục tiêu hoạt động và quy mô dự án

Theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì nội dung điều chỉnh mục tiêu hoạt động và quy mô dự án có thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

b) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;

c) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;

d) Văn bản giải trình về việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động, quy mô dự án đầu tư.

         Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT đã có đề cập tới biểu mẫu Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh, nhà đầu tư có thể tải về để sử dụng.

Đối với Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức là văn bản do nhà đầu tư ban hành, nhưng theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT thì Quyết định này là Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Với quy định này, nhà đầu tư cần lưu ý tùy từng loại hình tổ chức kinh tế mà có các văn bản Quyết định và Biên bản họp tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc các văn bản pháp luật khác liên quan.

Riêng đối với Văn bản giải trình về việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động, quy mô dự án đầu tư sẽ không có biểu mẫu cụ thể, nhà đầu tư phải tự cung cấp được các lý do, căn cứ hợp lý để giải trình cho nhu cầu điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án. Với một số tỉnh/thành phố, nhà đầu tư phải nộp kèm thêm bản Đề xuất thực hiện dự án ghi nhận các nội dung điều chỉnh, đánh giá ảnh hưởng hiệu quả kinh tế đối, tác động sơ bộ tới môi trường,… mà các nội dung điều chỉnh mà lại (nếu có).

2. Trình tự thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư chung

Bước 1: Nhà đầu tư đăng ký kê khai hồ sơ online trên cổng thông tin đầu tư nước ngoài, một số tỉnh yêu cầu nộp hồ sơ online trên trang dịch vụ hành chính công của tỉnh đó.

Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền;

Thời gian thực hiện: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Mục tiêu hoạt động của các dự án tương ứng với ngành, nghề kinh doanh trong nội dung đăng ký doanh nghiệp. Do đó, khi điều chỉnh mục tiêu hoạt động thì tổ chức kinh tế phải thực hiện thay đổi ngành, nghề kinh doanh theo quy định. Trong trường hợp tổ chức kinh tế là doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền;

Thời gian thực hiện: Trong vòng 3 ngày làm việc, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

3. Một số lưu ý khi thực hiện điều chỉnh mục tiêu hoạt động và quy mô dự án

Thứ nhất, thông thường các Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ yêu cầu nhà đầu tư giải trình về việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô có làm thay đổi tới vốn đầu tư hay không. Bởi, khi nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu thì Cơ quan đầu tư đã đánh giá toàn bộ số vốn đầu tư sẽ được sử dụng nhằm đưa mục tiêu đi vào sản xuất ổn định, nghĩa là số vốn đó sẽ đủ để thuê địa điểm thực hiện dự án, xây dựng công trình, thực hiện các mục tiêu với công suất đã đăng ký. Vì vậy, khi bổ sung, loại bỏ thêm mục tiêu, hay tăng giảm quy mô sẽ đều ảnh hưởng tới tổng vốn đầu tư.

Thứ hai, đối với các dự án sản xuất, khi bổ sung mục tiêu và tăng quy mô, nhà đầu tư còn phải xem xét tới việc địa điểm thực hiện dự án hiện tại có đảm bảo đủ không gian, diện tích để thực hiện thêm mục tiêu và quy mô sản xuất mới hay không. Nhiều trường hợp mục tiêu sản xuất mới bổ sung sẽ phải nhập thêm máy móc, dây chuyền mới, cũng như có các công trình chuyên biệt nên sẽ dẫn tới phải xây dựng thêm nhà xưởng, công trình. Điều này, cũng liên quan tới việc giải trình nguồn vốn để thực hiện việc xây dựng này.

Ngoài ra, trường hợp ít gặp hơn, nhà đầu tư thuê thêm một địa điểm khác để thực hiện dự án, trong trường hợp này, nếu cùng một tỉnh/thành phố và cùng thuộc một dự án thì phải điều chỉnh bổ sung thêm địa điểm thực hiện dự án trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu khác tỉnh hoặc khác dự án thì lập dự án mới đối với mục tiêu mới này mà không làm bổ sung mục tiêu.

Thứ ba, việc điều chỉnh mục tiêu và quy mô sẽ dẫn theo điều chỉnh thêm nội dung tiến độ thực hiện dự án, do theo quy định thì nội dung tiến độ thực hiện dự án có bao gồm tiền độ đưa các mục tiêu đi vào hoạt động. Vì vậy, nhà đầu tư phải dự kiến được các tiến độ này, đặc biệt trong trường hợp mà phải xây dựng thêm công trình để thực hiện mục tiêu mới thì còn phải có cả tiến độ xây dựng và đưa công trình mới vào sử dụng.

TRẦN ĐỨC THIỆN

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button