Tư vấn đầu tư

Highway 3392100 640

ĐIỀU KIỆN ĐỂ HOẠT ĐỘNG CÔNG TY VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI KINH DOANH NHỮNG NGÀNH, NGHỀ LOGISTICS CHƯA ĐƯỢC CAM KẾT TẠI BIỂU CAM KẾT WTO

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Dịch vụ logistics tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, do đây là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Ngoài các dịch vụ logistics đã được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường theo quy định tại Biểu cam kết WTO, thì còn có một số những phân ngành logistics chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường tại Biểu cam kết WTO.

Vậy những dịch vụ logistics nào chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường? Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện đầu tư đối với những dịch vụ đó hay không? Điều kiện và quy trình, thủ tục để đi vào hoạt động như thế nào? NaciLaw xin đưa ra một số ý kiến tư vấn cùng với các quy định pháp luật có liên quan.

  1. Một số dịch vụ logistics chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường tại Biểu cam kết WTO và quy định theo pháp luật Việt Nam.
STT NỘI DUNG DỊCH VỤ PHÁP LUẬT VIỆT NAM CAM KẾT WTO
1 Dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không (CPC 732) Nghị định 89/2019/NĐ-CP, ngoài mức vốn tiếu thiểu để kinh doanh vận chuyển hàng không thì nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ (Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân). Ngoài ra để hoạt động nhà đầu tư cần xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Chưa cam kết
2 Dịch vụ vận tải vũ trụ (CPC 733) Theo Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP không thuộc vào ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Không quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa cam kết
3 Các dịch vụ bốc dỡ hàng khác (CPC 7419)

(không thuộc bốc dỡ container)

Theo Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP không thuộc vào ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Không quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa cam kết

Ngoài các dịch vụ ở trên còn có một số ngành nghề chưa được cam kết, đồng thời chưa được ghi nhận trong Biểu cam kết WTO.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 được chi tiết tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP đối với ngành, nghề không thuộc vào danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Theo đó nguyên tắc áp dụng quy định, điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết với nhà đầu tư nước ngoài được Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

(1) Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;

(2) Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam;

Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng một số trường hợp đối với các ngành, nghề chưa cam kết cơ quan cấp phép vẫn tiến hành xin ý kiến chuyên ngành của cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan để ra cơ sở  quyết định cấp Giấy phép đăng ký đầu tư.

  1. Điều kiện và quy trình, thủ tục chung để hoạt động các ngành, nghề logistics chưa được cam kết tại biểu WTO

Nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp phép có thẩm quyền tại Việt Nam và thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Sau khi nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp, ngoài cần đáp ứng các quy định đặc thù về ngành nghề theo của pháp luật Việt Nam như đã đề cập ở mục 1, để tiến hành hoạt động được các ngành, nghề logistics chưa được cam kết tại biểu WTO, doanh nghiệp cần phải tiến hành xin giấy phép kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương:

  • Doanh nghiệp và nhà đầu tư phải có kế hoạch tài chính để thực hiện hoạt động logisticsnhư đề xuất;
  • Không còn nợ thuế quá hạn đối với trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
  • Phù hợp theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
  • Phù hợp mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực;
  • Có khả năng tạo lao động trong nước;
  • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Quy trình và thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương

Bước 1: Chuẩn bị 02 bộ hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương

Bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Văn bản giải trình các nội dung về điều kiện cấp giấy phép;
  • Xác nhận khả năng tài chính hoặc Báo cáo tài chính đối với trường hợp đã thành lập trên 1 năm;
  • Tài liệu xác nhận không nợ thuế quá hạn ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ đến Sở Công Thương

  • Sở Công Thương kiểm tra hình thức và thẩm định nội dung hồ sơ;
  • Sở Công Thương tiến hành lấy ý kiến của Bộ Công thương về việc cấp Giấy phép kinh doanh đối với dịch vụ logistics chưa được cam kết mở cửa thị trường. (theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 09/2018/NĐ-CP)

Bước 3: Sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình các nội dung liên quan đến điều kiện cấp giấy phép (nếu có)

Bước 4: Nhận kết quả

Do vậy, để thực hiện các ngành, nghề logistics chưa được cam kết tại Biểu cam kết WTO nhà đầu tư cần phải kiểm tra, đánh giá, cân nhắc điều kiện ngành, nghề, tính khả thi và đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài nên tìm đến một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để được hỗ trợ toàn bộ quy trình, nhằm giảm thiểu các rủi ro, giúp thủ tục pháp lý được rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án được nhanh chóng.

LE PHAT DAT

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button