Hoạt động thương mại hàng hoá bao gồm các hoạt động về xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ hàng hoá. Hiện nay, hoạt động thương mại hàng hoá là một trong những hoạt động chính của nền kinh tế Việt Nam, góp một phần không nhỏ trong kim ngạch phát triển hàng năm trong hệ thống kinh tế tại Việt Nam. Chính vì lẽ đó, dịch vụ thương mại hàng hoá rất được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là hoạt động bán lẻ nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam. Để thực hiện được công việc đó thì nhà đầu tư cần giải trình để đáp ứng các điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hoá tại Sở Công Thương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở.
Trong bài viết này, Nacilaw xin đưa ra các yêu cầu về nội dung giải trình đáp ứng điều kiện xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ tại Sở Công Thương của nhà đầu tư nước ngoài.
1. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ – CP, điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh như sau:
“Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa:
- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:
- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
- Đáp ứng tiêu chí sau: Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành; Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động; Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước; Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.”
2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hoá
Hồ sơ cần soạn thảo:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Bản giải trình có nội dung:
- Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
- Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;
- Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
- Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh,
- Giấy ủy quyền thực hiện công việc;
Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp:
- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao Giấy xác nhận không nợ thuế quá hạn của cơ quan thuế;
- Bản sao có chứng thực hoặc scan Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, cần xác nhận của Ngân hàng liên quan đến việc đã góp đủ vốn điều lệ;
- Các thông tin cần thiết liên quan đến nội dung giải trình;
3. Nội dung giải trình đáp ứng điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hoá
Nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn được cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hoá cần giải trình rằng dự án mà nhà đầu tư dự kiến thực hiện phải tuân thủ và đáp ứng các điều kiện được đưa ra theo quy định pháp luật như sau:
- Điều kiện về quốc tịch, hình thức đầu tư để thực hiện dự án phân phối bán lẻ hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với trường hơp mà quốc tịch nhà đầu tư nước ngoài không là thành viên của các Điều ước quốc tế, Hiệp ước song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện ngành nghề tiếp cận thị trường. kế hoạch tài chỉnh ổn định thì nhà đầu tư nước ngoài cần giải trình rằng việc nhà đầu tư thực hiện việc phân phối bán lẻ hàng hoá là đáp ứng các tiêu chí về tính chất phù hợp của dự án đối với các quy định của pháp luật chuyên ngành, đánh giá mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương trong cùng một lĩnh vực hoạt động, có đủ khả năng kiến tạo việc làm đối với lao động trong nước và khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước.
- Xây dựng được một kế hoạch kinh doanh cụ thể, minh bạch. Tại nội dung này, nhà đầu tư cần nêu rõ cụ thể mặt hàng hoá mà nhà đầu tư dự kiến hoạt động phân phối, qua đó nêu ra các phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh các mặt hàng đó. Tiếp theo, nhà đầu tư cần có nội dung giải trình về kế hoạch kinh doanh, bâo gồm: thị trường mục tiêu, đối tượng khách hàng, nhu cầu sử dụng lao động và đánh giá tính hiệu quả kinh tế của kế hoạch kinh doanh nêu trên. Tại nội dung này, nhà đầu tư cần giải trình rõ về việc nhà đầu tư đã có sự nghiên cứu và lựa chọn thị trường mục tiêu ra sao, đối tượng khách hàng mà dự án nhắm tới là gì, quy trình và phương thức đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng. Đối với nội dung về đánh giá tính hiệu quả kinh tế của dự án, nhà đầu tư cần tính toán bảng số liệu dự kiến về chi phí nguyên vật liệu, doanh thu dự kiến trong năm đầu và năm ổn định, qua đó thuyết phục cơ quan có thẩm quyền về tính hiệu quả của dự án, từ đó có khả năng kiến tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương tại nơi dự án đặt trụ sở.
- Xây dựng kế hoạch tài chính dựa trên các nội dung giải trình về vốn thực hiện dự án, nguồn vốn và phương thức huy động số vốn đó, trường hợp thiếu vốn thì dự án sẽ sử dụng nguồn vốn nào để tái đầu tư? Các nội dung trên được thể hiện qua các tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trên 01 năm trở lên thì giải trình trên cơ sở báo cáo tài chính tài chính đã kiểm toán của năm gần nhất tại thời điểm xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối bán lẻ hàng hoá.
- Trường hợp đặc biệt mà nhà đầu tư xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối bán lẻ hàng hoá mà đã có cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, nhà đầu tư bổ sung thêm nội dung giải trình về tình hình hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối bán lẻ hàng hoá.
ĐỖ THÀNH LONG
(Legal Consultant)