“Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại” là công việc kinh doanh do Bên nhận quyền tiến hành theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Theo đó, “Bên nhận quyền” là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp; còn “Bên nhượng quyền” là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
“Quyền thương mại” bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây (Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006).
- Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;
- Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;
- Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;
- Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Điều kiện để kinh doanh hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam:
- Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm. Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại;
- Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam;
- Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định pháp luật.
Điều kiện đối với Bên nhận quyền: Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Về các đối tượng sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại: trường hợp Bên nhượng quyền chuyển giao cho Bên nhận quyền quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung của quyền thương mại thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại; phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu công nghiệp.
Nhượng quyền thứ cấp: Thương nhân Việt Nam sau khi nhận nhượng quyền sơ cấp từ thương nhân nước ngoài có thể tiến hành nhượng quyền lại cho thương nhân tại Việt Nam (được gọi là nhượng quyền thứ cấp) với điều kiện được Bên nhượng quyền sơ cấp ban đầu đồng ý. Theo đó, thương nhân Việt Nam nhận nhượng quyền sơ cấp cũng phải kinh doanh trong hoạt động cung cấp dịch vụ trung tâm hán ngữ tại Việt Nam tối thiểu 01 năm và thực hiện báo cáo Sở Công thương theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi đó, họ có thể ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với các bên nhận quyền thứ cấp khác để tổ chức giảng dạy và đào tạo theo chương trình đào tạo của hệ thống Hán ngữ được quy định trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Đối với phí nhượng quyền là khoản tiền mà bên nhận quyền phải thanh toán cho bên nhượng quyền để được sử dụng các quyền thương mại, các bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền. Pháp luật không có quy định mức cụ thể cho khoản phí này. Mức phí, phương thức thanh toán, thời gian thanh toán do các bên tự thỏa thuận. Thông thường thì khoản phí này sẽ chia làm 2 loại: phí nhượng quyền ban đầu và phí nhượng quyền thường xuyên.
Khoản phí này thông thường được xác định trên cơ sở như:
- Khoản tiền cho việc chuyển giao những đối tượng của sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa;
- Khoản tiền để chuyển giao, cung cấp, hướng dẫn cho bên nhận quyền sử dụng, khai thác các công nghệ đi kèm cũng như các tài liệu hướng dẫn vận hành công nghệ đó.
- Khoản tiền để trả cho các nghĩa vụ hỗ trợ bên nhận quyền trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Các nghĩa vụ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền thường liên quan đến các vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ, kiểm tra thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền.
Để được tư vấn chi tiết về hoạt động nhượng quyền thương mại, Bạn đọc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Naci Law.