Tin tức

Quy trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam

Trong thời kỳ kinh tế thị trường phát triển, nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng hội nhập ra thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam luôn muốn vươn mình tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa, dịch vụ của mình sang các quốc gia khác nhưng không tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia đó dẫn tới tình trạng “đánh mất nhãn hiệu”. Ví dụ như ông Vua cà phê Việt - Trung Nguyên đã bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Legendee Coffe” (café legendee - café Chồn) tại Mỹ vào năm 2000. Và phải mất hàng trăm nghìn USD và hơn hai năm đàm phán, thương thảo để có thể lấy lại nhãn hiệu này. Thực trạng này đã xảy ra với rất nhiều thương hiệu Việt, là hồi chuông nhắc nhở về kế hoạch phát triển, quản lí và bảo vệ thương hiệu của mình.

Bởi việc bảo hộ nhãn hiệu có phạm vi trong lãnh thổ quốc gia hoặc khu vực như Cộng đồng chung châu Âu (CTM), một số quốc gia thuộc khu vực châu Phi (ARIPO và OAPI), Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxemburg). Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng định hướng phát triển, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì cần cân nhắc đăng ký tại các quốc gia có kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc đăng ký này có thể được thực hiện theo hai cách:

  • Cách 1: Đăng ký trực tiếp tại các cơ quan Sở hữu trí tuệ của quốc gia đó.
  • Cách 2: Đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (World Intellectual Property Organization) quản trị. Việt Nam đã tham gia Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của cả hai văn kiện này.

Việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qu Madrid mang lại rất nhiều ưu điểm khi thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp đơn, dễ dàng quản lý đơn đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác nhau. Cụ thể, người nộp đơn đăng ký quốc tế tại Việt Nam phải trải qua quy trình sau:

  • Nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp nếu đơn đăng ký chỉ chỉ định quốc gia thuộc thành viên của Thoả ước Madrid mà không là thành viên của Nghị định thư Madrid), bao gồm: tờ khai theo mẫu của Cục sở hữu trí tuệ, đơn gốc (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ chỉ định quốc gia là thành viên Thỏa ước mà không có bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Nghị định thư thì đơn gốc bắt buộc là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu); mẫu nhãn hiệu đúng như mẫu nhãn của đơn gốc; biên lai phí, lệ phí; giấy ủy quyền nếu việc nộp đơn thông qua ủy quyền.
  • Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu hợp lệ theo quy định từ người nộp đơn, Cục sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế. Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn đó trong vòng 02 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trường hợp đơn không được người nộp đơn hoàn thiện để gửi đến Văn phòng quốc tế trong thời hạn nói trên thì ngày nhận được đơn tại Văn phòng quốc tế sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
  • Tại đây đơn đăng ký sẽ được thẩm định về mặt hình thức, bao gồm tư cách người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ… Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đơn đăng ký quốc tế sẽ được ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trong công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO.
  • Văn phòng quốc tế thông báo cho từng bên tham gia nhận được yêu cầu bảo hộ trong đơn quốc tế hoặc chỉ định sau. Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc chỉ định sau, việc bảo hộ nhãn hiệu tại từng bên tham gia được chỉ định sẽ giống như khi nhãn hiệu đó được nộp trực tiếp tại Cơ quan của bên tham gia đó. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong vòng 12 tháng đối với Thỏa ước hoặc 18 tháng đối với Nghị định thư. Sau đó sẽ thông báo kết quả cho Văn phòng quốc tế.

Chỉ cần một đơn duy nhất, bằng một ngôn ngữ duy nhất, nộp phí bằng một loại tiền tệ duy nhất, hệ thống Madrid giúp người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể. Bởi vậy, đây là phương án được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn khi có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu của mình tại các quốc gia khác.

NACI LAW,

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng  Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.

Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.  

Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:

  1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
  2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
  3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
  4. Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.
Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button