Sau những ồn ào về bộ truyện tranh tuổi thơ “Thần đồng đất Việt”, không chỉ có những câu hỏi về quyền tác được đặt ra, mà còn rất nhiều những vướng mắc liên quan đến thuật ngữ “tác phẩm phái sinh”. Hay trào lưu “cover bài hát” làm mưa làm gió các trang mạng xã hội thời gian qua, đó có phải tác phẩm phái sinh không? Viết lại lời bài hát (hay chế lời bài hát) có phải tác phẩm phái sinh?
Theo khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Theo Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên có nêu “Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc mà không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.
Đây là cách định nghĩa liệt kê các hoạt động được coi là tạo ra tác phẩm phái sinh, dựa theo nguyên tắc đó là hoạt động làm một tác phẩm mới dựa trên một tác phẩm gốc mà không làm thay đổi, sai lệch bản chất, sự toàn vẹn của tác phẩm ban đầu. Tuy nhiên, lại không có bất kì văn bản nào giải thích, làm rõ các hoạt động này. Thực tế hoạt động “phóng tác, cải biên, chuyển thể” (adaptations, arrangements and other alterations) được sử dụng trong cuộc sống mà không được phân biệt rõ ràng bởi nó cùng làm thay đổi hình thức của một tác phẩm. Ví dụ tác phẩm gốc là tác phẩm văn học (truyện, tiểu thuyết, trường ca, thơ,…), tác phẩm phái sinh là kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh, thì người dùng đều có thể sử dụng thuật ngữ phóng tác, chuyển thể hoặc cải biên. Chúng ta không nên đánh giá hoạt động “chuyển thể” không mang sự sáng tạo bởi khi hình thức thay đổi thì luôn có sự thay đổi sáng tạo nhất định để phù hợp với loại hình mới.
Tác phẩm phái sinh sẽ chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh như xuyên tạc, đi ngược lại ý chí ban đầu của tác giả; đồng thời chúng phải được tác giả (người làm tác phẩm phái sinh) trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Quyền làm tác phẩm phái sinh là một quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Chính vì vậy, họ có quyền tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền này. Nên, nếu một chủ thể muốn làm tác phẩm phái sinh bắt nguồn từ tác phẩm của một người khác thì cần phải xin phép và được đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm đó; đồng thời phải trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu. Hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh bị coi là một hành vi xâm phạm quyền tác giả và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Người tạo ra tác phẩm phái sinh được coi là tác giả của tác phẩm phái sinh đó và cũng được bảo hộ như các loại hình tác phẩm khác. Với sự phát triển bùng nổ của Internet như hiện nay cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, mọi người rất dễ tiếp cận với những tác phẩm gốc, đặc biệt là những tác phẩm nổi tiếng và có những ý tưởng sáng tạo dựa trên nguyên tác nhằm tạo ra những sản phẩm mới. Đó có thể coi là tác phẩm phái sinh hoặc không, chính vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chúng ta nên nắm rõ các quy định về tác phẩm phái sinh.
NACI LAW,
Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.
Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.
Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:
- Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
- Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
- Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
- Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.