Tin tức

Bao Ve Quyen So Huu Tri Tue Doi Voi Hang Hoa Xuat Nhap Khau Hai Quan

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU BẰNG THỦ TỤC HẢI QUAN

Pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật hải quan có các quy định về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng thủ tục hải quan bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

1. Căn cứ pháp lý:

  • Hiệp định Trips về về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ;
  • Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương);
  • Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, sửa đổi bổ sung 2009; 2019; 2022.
  • Luật Hải quan 2014 được sửa đổi bổ sung;
  • Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018;
  • Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2020/TT-BTC ngày 06 tháng 3 năm 2020 (VBHN số 29/VBHN-BTC);
  • Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Pháp luật các quốc gia trên thế giới thường có quy định cho phép cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Chủ sở hữu. Bởi lẽ, việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ thu được hiệu quả cao nếu được tiến hành ngay khi hàng hóa đi qua biên giới, chưa đưa vào mạng lưới lưu thông của thị trường nội địa. Đối với các Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Cơ quan hải quan trợ giúp ngay tại biên giới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ dễ dàng hơn so với việc phải đối phó với rất nhiều vi phạm có thể xảy ra khi hàng hóa đã được phân phối vào thị trường nội địa.

Nhằm nội luật hóa cũng như phù hợp với Hiệp định Trips, Hiệp định CPTPP về các khía cạnh liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng thủ tục hải quan.

Thứ nhất, các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ bằng thủ tục hải quan:

Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đều là các đối tượng được cơ quan hải quan thực thi bảo hộ khi các tài sản trí tuệ này trở thành hàng hóa xuất nhập khẩu đang nằm trong phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan. Cụ thể bao gồm:

  • Hàng hóa đang làm thủ tục xuất khẩu; hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục nhưng chưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan. Kể từ thời điểm đưa hàng hóa vào địa bàn hoạt động hải quan để tập kết chờ xuất khẩu đã đặt dưới sự kiểm tra, giám sát hải quan;
  • Hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu nhưng đang nằm trong khu vực ưu đãi hải quan cũng là đối tượng bị áp dụng biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ kể từ khi hàng hóa nhập khẩu bắt đầu vào cảng, cửa khẩu Việt Nam đến khi hoàn thành các thủ tục nhập khẩu và được phép thông quan;
  • Đối với hàng hóa quá cảnh, Hiệp định CPTPP cho phép các nước được lựa chọn thực hiện theo Chú thích 123 “Một Bên có thể thực hiện nghĩa vụ tại Điều này để xác định hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo khoản 5 phải xác định rằng hàng hoá bị nghi ngờ mang mô tả thương mại giả”. Theo đó, cơ quan hải quan các nước thành viên CPTPP chỉ cần xây dựng cơ chế hợp tác cung cấp thông tin về hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng sao chép lậu quyền tác giả để hỗ trợ lẫn nhau nhận diện hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm khi hàng hóa đến chứ không áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa quá cảnh. Việt Nam lựa chọn thi hành theo cách thức mà Chú thích cho phép. Vì vậy, Luật SHTT sửa đổi 2022 chỉ quy định thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Quy định này cũng để phù hợp với khoản 3 Điều 73 của Luật Hải quan. Theo đó, các quy định về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh.

Thứ hai, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu bao gồm:

Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; là biện pháp được tiến hành trong các trường hợp sau đây:

  • Theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;
  • Cơ quan hải quan chủ động thực hiện nếu trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Quy định về việc chủ động thực hiện của cơ quan nhà nước cũng là điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, phù hợp với quy định tại Điều 58 Hiệp định Trips và kịp thời đáp ứng thực tiễn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam hiện nay khi lượng hàng hóa xâm phạm quyền/giả mạo ngày càng nhiều và nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng cũng như chủ thể quyền.

Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trong đó:

  • Kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
  • Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.

Thứ ba, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu:

  • Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 218 Luật SHTT sửa đổi bổ sung và Điều 73 – 76 Luật hải quan. Do Luật SHTT sửa đổi 2022 bổ sung thẩm quyền của cơ quan hải quan chủ động thực hiện áp dụng biện pháp này nên ngoài các quy định cũ, Luật đã bổ sung thủ tục đối với chủ thể này, cụ thể khoản 4 Điều 218 Luật SHTT quy định: “4. Trong trường hợp cơ quan hải quan chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nếu có thông tin liên hệ và cho người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu về việc tạm dừng. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày thông báo, nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng”.
  • Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 219 Luật SHTT và Điều 73 – 76 Luật Hải quan.

Trên đây là một số các vấn đề pháp lí về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng thủ tục hải quan theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

HO THUY TRANG

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button