Tin tức

Các phương thức bảo hộ bí mật kinh doanh

Nhắc đến kinh doanh, người ta sẽ nhớ đến những câu nói kinh điển như “thương trường là chiến trường” hay “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Đặc biệt với thời kỳ kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Mỗi doanh nghiệp cần có những chiến lược của riêng mình, theo tiêu chí như nếu không đi tiên phong thì phải thật sự “độc lạ”. Và những thứ là “của riêng” như vậy thì thật khó để có thể chia sẻ, chúng luôn cần được giữ bí mật tuyệt đối. Ngoài sự bảo hộ của hệ thống pháp lý hiện nay thì các doanh nghiệp cần tự mình xây dựng những biện pháp bảo hộ bí mật kinh doanh hợp lí và hiệu quả.

Bí mật kinh doanh (Business Secrets hay Trade Secrests) là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh (Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Đây là một loại tài sản trí tuệ không cần đăng ký mà được xác lập quyền trên cơ sở có được bí mật kinh doanh hợp pháp và thực hiện việc bảo vệ bí mật kinh doanh. Việc bảo vệ này có thể được thực hiện theo các phương thức sau đây:

Xác định đối tượng bảo hộ: Các doanh nghiệp cần nhận dạng và đặt thứ tự ưu tiên các bí mật kinh doanh dựa trên giá trị và độ nhạy cảm của chúng. Đồng thời, cân nhắc xem bí mật kinh doanh có thể được bảo hộ bằng cách đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ chính thức, như sáng chế hay không, nếu có thì đâu là cách bảo hộ tốt hơn.

Bởi bảo hộ trên phương diện bí mật kinh doanh hay sáng chế đều có những ưu và nhược điểm riêng. Vì bí mật kinh doanh không cần đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nên sẽ không phải trải qua những khó khăn trong việc đăng ký, tiết kiệm thời gian và chi phí; cũng như thời hạn bảo hộ là vô hạn cho đến khi bí mật bị bộc lộ ra ngoài (doanh nghiệp chủ động bộc lộ hoặc bị động bộc lộ). Tuy nhiên, việc bảo hộ theo hình thức bí mật kinh doanh cũng có hạn chế khi người dùng có thể tiếp cận sản phẩm và dùng phương pháp phân tích ngược để tìm ra bí mật; cũng như nếu bị mật kinh doanh bị lộ ra ngoài thì bất kỳ ai cũng có thể sử dụng chúng. Bởi vậy, nếu bí mật kinh doanh đủ điều kiện để đăng ký sáng chế thì những nhà kinh doanh cần cân nhắc thật kỹ trong việc lựa chọn cách thức bảo hộ. Nếu vẫn muốn giữ chúng là của riêng thì cần tiếp tục phát triển những phương thức bảo hộ tiếp theo.

Trang bị hệ thống an ninh thông tin và chương trình bảo vệ cho toàn doanh nghiệp: Thiết lập các hệ thống an ninh có hiệu quả để quản lý thông tin kỹ thuật số trên mạng nội bộ của công ty với các biện pháp kỹ thuật, phần mềm và mật mã nhằm hạn chế việc tiếp cận từ bên cũng như một hệ thống ngăn chặn hoặc theo dõi quá trình tiếp cận với thông tin bí mật. Ngoài ra có thể sử dụng biện pháp vật lí chia nhỏ thông tin, ví dụ với công thức của món gà rán KFC nổi tiếng trên toàn thế giới, Sanders (người sáng lập KFC) đã thành lập hai công ty để mỗi nơi làm một phần công thức, chứ không ở đâu có được trọn vẹn toàn bộ công thức này.

Xác định các đối tượng có thể tiếp cận với bí mật kinh doanh: Các doanh nghiệp luôn phải hạn chế hết mức có thể số lượng người tiếp cận với bí mật kinh doanh và chắc chắn rằng họ đều biết đấy là thông tin bí mật.

Cụ thể, đối với nhân viên cần trang bị nội quy công ty về việc bộc lộ các thông tin bí mật với các định nghĩa và hướng dẫn rõ ràng về cách thức tiếp cận, quản lý, bảo vệ, phân phối, ghi nhãn, biện pháp xử lý khi thông tin bí mật bị rò rỉ ra ngoài,… Các doanh nghiệp cần đưa các điều khoản bảo mật vào trong hợp đồng lao động. Theoquy định của Bộ Luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin về những quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ với người lao động trước khi giao kết hợp đồng. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm. Nghĩa vụ giữ bí mật đối với bí mật của người sử dụng lao động nhìn chung được duy trì ít nhất là trong một thời hạn nhất định, thậm chí sau khi người lao động rời khỏi công việc đó

Đối với đối tác kinh doanh cần ký các hợp đồng bảo mật thông tin (Non Disclosure Agreement) với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ.

Trên đây là một số cách thức bảo hộ bí mật kinh doanh mà các doanh nghiệp cần áp dụng. Nếu phát hiện có hành vi xâm phạm, chúng ta có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cũng như yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi này theo quy định của Luật sở hứu trí tuệ và các Luật liên quan. Tuy nhiên, vì đây là một loại tài sản sở hữu trí tuệ đặc biệt, phù hợp với câu tục ngữ “phòng còn hơn chữa”.

NACI LAW,

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng  Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.

Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.  

Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:

  1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
  2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
  3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
  4. Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.
Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button