Việc chuyển nhượng tài sản, đặc biệt là bất động sản, không chỉ là một vấn đề pháp lý mà còn đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ về tài chính giữa vợ/chồng trước và trong thời kỳ hôn nhân. Việc chuyển nhượng bất động sản của vợ chồng có trước thời kỳ hôn nhân thường gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại về công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Trong bài viết này, Nacilaw sẽ làm rõ các quy định pháp lý điều chỉnh về tài sản riêng và tài sản chung của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân, hãy cùng Nacilaw tìm hiểu để nhằm đảm bảo tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (sau đây gọi tắt là “Luật HNGĐ”) thì tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn. Đồng thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật HNGĐ việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ, chồng.
Do đó, đối với trường hợp chuyển nhượng bất động sản của vợ/chồng có trước thời kỳ hôn nhân, để thực hiện thủ tục và chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, các bên cần xác định bất động sản thuộc tài sản chung theo thỏa thuận của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ/chồng, cụ thể chia thành hai trường hợp:
Trường hợp 1: Là tài sản chung do đã thực hiện thỏa thuận của vợ/chồng
Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, đồng thời tại Khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ thì việc định đoạt tài sản chung là bất động sản cần phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ/chồng. Cụ thể quy trình thực hiện như sau:
- Bước 1: Lập và công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Văn phòng công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 và Điều 167 Luật Đất đai 2013. Để chứng minh có quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp đối với bất động sản dự kiến chuyển nhương, các bên cần chuẩn bị các tài liệu giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy đăng ký kết hôn; Văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng; Căn cước công dân của vợ chồng.
- Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính tại Văn phòng đăng ký đất đai.
- Bước 3: Kê khai hồ sơ đăng ký biến động đất đai.
- Bước 4: Nộp lệ phí và nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp 2: Tài sản riêng của vợ, chồng do đã có trước thời kỳ hôn nhân.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật LHNGĐ, các bên có thể tự định đoạt tài sản riêng của mình, mà không cần phải có sự đồng ý của vợ/chồng. Tuy nhiên, cần lưu đối với bất động sản là nhà ở, đồng thời là nơi ở duy nhất của vợ/chồng theo quy định tại Điều 31 Luật HNGĐ thì cần có sự thỏa thuận của vợ chồng, các bên được quyền xác lập việc chuyển nhượng nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho vợ/chồng.
Về quy trình thực hiện, tương tự các bước ở trường hợp là tài sản chung của vợ chồng ngoại trừ các bên có quyền tự xác lập và thay thế Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, văn bản thỏa thuận thành các tài liệu chứng minh căn nhà thuộc tài sản riêng trước thời kỳ hôn nhân như: Hợp đồng nhận chuyển nhượng công chứng năm 2020; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tính đến thời điểm mua nhận bất động sản trước khi kết hôn và tình trạng hôn nhân đến thời điểm kết hôn.
LE PHAT DAT
Legal Consultant