Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nền kinh tế phát triển năng động, chính sách mở cửa và môi trường kinh doanh thuận lợi. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mà còn nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài cần hiểu rõ quy định pháp luật, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp và có chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả.
1. Các hình thức đầu tư
Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư tại Việt Nam bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
- Thực hiện dự án đầu tư
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
2. Ngành, nghề và các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ các trường hợp sau:
- Ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường quy định tại Phụ lục I.A Nghị định số 31/2021/NĐ-CP: Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
- Ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện quy định tại Phụ lục I.B Nghị định số 31/2021/NĐ-CP: Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường cụ thể. Các điều kiện tiếp cận thị trường này được quy định tại Biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các biểu cam kết song phương, đa phương của Việt Nam, hay các quy định pháp luật chuyên ngành.
3. Ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, giúp tối ưu hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận và đảm bảo sự phát triển bền vững.
3.1. Hình thức ưu đãi đầu tư
Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam có thể hưởng các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhà đầu tư có thể được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; được xem xét miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp
- Miễn thuế nhập khẩu: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất: theo chính sách ưu đãi của Nhà nước
- Khấu hao nhanh, gia tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư.
3.2. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, gồm các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư;
- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư;
- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3.3. Nguyên tắc và điều kiện được ưu đãi
Theo khoản 6 và khoản 7 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, ưu đãi đầu tư được thực hiện trên cơ sở:
- Áp dụng có thời hạn và phụ thuộc vào kết quả thực hiện dự án. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi.
- Nếu dự án đủ điều kiện hưởng nhiều mức ưu đãi khác nhau, nhà đầu tư được áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
3.4. Ưu đãi đầu tư đặc biệt
Căn cứ Điều 20 Luật Đầu tư 2020 quy định đối tượng áp dụng ưu đãi, đầu tư đặc biệt bao gồm:
- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam ngày càng minh bạch, đồng bộ và hấp dẫn, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lâu dài. Các ưu đãi này không chỉ giúp giảm thiểu rào cản kinh doanh mà còn mở ra nhiều cơ hội tại các lĩnh vực tiềm năng. Để tận dụng tối đa lợi thế từ chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật và triển khai chiến lược phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam.