1. Căn cứ pháp lý:
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về Đăng ký doanh nghiệp;
2. Nội dung:
2.1. Những điều kiện cần lưu ý trước khi tiến hành điều chỉnh tăng quy mô thực hiện dự án?
Khi tiến hành điều chỉnh tăng quy mô đối với dự án sản xuất, nhà đầu tư cần phải xem xét các điều kiện khác có liên quan như: vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư sau khi điều chỉnh quy mô.
Ngoài ra, để thực hiện tăng quy mô sản xuất cần xem xét kỹ lưỡng về địa điểm thực hiện dự án hiện tại còn phù hợp sau khi tăng quy mô, phải chứng minh năng lực tài chính, danh mục máy móc, công nghệ sử dụng, nguyên liệu, giải trình về kế hoạch sử dụng vốn đến thời điểm hiện tại và sau khi điều chỉnh, cụ thể:
- Về kế hoạch sử dụng máy móc: Chứng minh về việc tối ưu quy trình sản xuất hoặc lắp đặt thêm máy móc để đạt được công suất sản xuất dự kiến mới;
- Nguyên liệu đầu vào: cần giải trình số lượng nguyên liệu đủ để tiến hành sản xuất với công suất mới đề nghị điều chỉnh;
- Nguồn vốn: trường hợp tăng máy móc, tăng nguyên liệu cần chứng minh nguồn tài chính phù hợp để tiếp tục triển khai dự án sau khi được chấp thuận điều chỉnh;
Vì vậy, để có thể thực hiện được nội dung tăng quy mô thực hiện dự án, nhà đầu tư phải đưa ra được mục đích tăng quy mô và kế hoạch phân bổ nguồn vốn. Đồng thời, đối với những dự án sản xuất hầu hết khi tăng quy mô sẽ có nguy cơ ảnh hưởng cao đến môi trường do tăng công suất xử lý chất thải, do đó cần có kế hoạch xử lý chất thải, nước thải và thực hiện ĐTM trước khi điều chỉnh.
Việc tăng quy mô của dự án sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tế của dự án, vì khi tiến hành điều chỉnh, cơ quan quản lý về đầu tư sẽ có ý kiến hỏi các sở ngành có chuyên môn về các vấn đề trên để xem xét và thẩm định các điều kiện phù hợp, sau đó quyết định duyệt chấp nhận hoặc không chấp thuận đối với đề nghị điều chỉnh.
2.2. Quy trình thực hiện điều chỉnh quy mô đối với dự án sản xuất?
*Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
- Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án;
- Giải trình liên quan đến việc điều chỉnh tăng quy mô sản xuất của dự án đầu tư;
- Các tài liệu chứng minh khác kèm theo Giải trình.
*Ý nghĩa của các tài liệu nhà cần chuẩn bị và lưu ý khi chuẩn bị:
- Đối với các tài liệu là văn bản đề nghị điều chỉnh, báo cáo tình hình triển khai dự án, quyết định của nhà đầu tư bắt buộc theo quy định pháp luật nhằm xác định được tư cách pháp lý của nhà đầu tư đang thực hiện dự án, là nền tảng để xác định quyền lợi và nghĩa vụ cần phải thực hiện của nhà đầu tư đối với dự án mà nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh.
- Về các tài liệu giải trình kèm theo việc điều chỉnh quy mô có thể là tài liệu để chứng minh năng lực tài chính, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ đối với dự án cần thực hiện điều chỉnh. Trong đó, việc giải trình tài chính và tài liệu để chứng minh năng lực tài chính là một trong những tài liệu đặc biệt quan trọng để đảm bảo cam kết nhà đầu tư về khả năng tài chính khi tiến hành điều chỉnh quy mô tăng quy mô sản xuất của dự án đầu tư. Việc không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn năng lực bằng hoặc lớn hơn nguồn vốn đề chuẩn bị triển khai tăng quy mô thì cơ quan quản lý đầu tư có thể đánh giá là không đáp ứng được điều kiện đầu tư và không chấp thuận việc điều chỉnh. Do đó nhà đầu tư cần phải xác định rõ tổng mức vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn (vốn góp, vốn huy động, tái đầu tư từ lợi nhuận) để cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính phù hợp điều kiện đầu tư. Ngoài ra nhà đầu tư cần phải lưu ý về quy trình sản xuất, quy mô địa điểm và các yếu tố khác có liên quan đến việc tăng quy mô.
3. Quy trình thực hiện:
Bước 1: Thực hiện kê khai và nộp hồ sơ điều chỉnh tại cơ quan quản lý đầu tư (thời hạn theo quy định là 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ);
- Ban quản lý các khu công nghiệp đối với dự án trong khu công nghiệp;
- Sở Kế hoạch –Đầu tư đối với dự án ngoài khu công nghiệp.
Bước 2: Giải trình đối với trường hợp cơ quan quản lý đầu tư hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành (nếu có);
Bước 3: Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (nếu có).
LE PHAT DAT
(Legal Consultant)