Tư vấn doanh nghiệp

Dieu Kien Quang Cao

ĐIỀU KIỆN XIN GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO THỰC PHẨM

1. Căn cứ pháp lý

  • Luật quảng cáo năm 2012;
  • Luật an toàn thực phẩm năm 2010;
  • Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
  • Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo;
  • Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25 tháng 05 năm 2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm được quảng cáo rất phố biến trên các nền tảng khác nhau như: Phát thanh, truyền hình, báo chí, sàn thương mại điện tử,… Khi làm việc với các đơn vị trên để quảng cáo sản phẩm trên nền tảng của họ, các cá nhân, tổ chức có sản phẩm quảng cáo thường được yêu cầu cung cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hay còn gọi là giấy phép quảng cáo kèm theo ma két, kịch bản dự kiến quảng cáo. Tại sao cần phải có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo khi quảng cáo? Điều kiện xin giấy phép quảng cáo thực phẩm là gì? Sau đây, Nacilaw xin được đưa ra một số ý kiến tư vấn cụ thể.

2. Tại sao cần phải có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo khi quảng cáo?

Đối với một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, pháp luật quy định cá nhân, tổ chức tiến hành quảng cáo phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Tùy từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ yêu cầu điều kiện quảng cáo và hoạt động quảng cáo thuộc quản lý của cơ quan chuyên môn khác nhau. Ví dụ như quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế, quảng cáo phân bón, chế phẩm vệ sinh thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động quảng cáo ngoài trời với kích thước biển quảng cáo dưới hai mét thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi muốn đề cấp sâu về các loại thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Căn cứ Điều 26, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, các sản phẩm cần phải đăng ký nội dung quảng cáo bao gồm:

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
  • Thực phẩm dinh dưỡng y học;
  • Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
  • Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, trừ sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Trước khi tiến hành quảng cáo những loại thực phẩm đặc biệt nêu trên, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm quảng cáo phải đăng ký nội dung tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

3. Điều kiện xin giấy phép quảng cáo thực phẩm

Để xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hay còn gọi là giấy phép quảng cáo đối với thực phẩm nêu trên, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm quảng cáo đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Sản phẩm phải có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn hiệu lực.
  • Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trăng phục, tên, thư tín, của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, để quảng cáo thực phẩm. Trường hợp nội dung quảng cáo có nêu thêm công dụng, tác dụng khác với bản công bố, cá nhân, tổ chức quảng cáo phải cung cấp tài liệu chứng minh.
  • Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, được viết rõ ràng, có màu tương phản với màu nền.
  • Đối với sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ: Nội dung phải bao gồm tên sản phẩm, tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”. Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”.
  • Hồ sơ xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đầy đủ, hợp lệ.

Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm quảng cáo nộp hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, đơn vị có thể tiến hành quảng cáo theo đúng nội dung đăng ký.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi về điều kiện xin giấy phép quảng cáo thực phẩm. Nếu có vấn đề còn thắc mắc, cần được tư vấn chi tiết hay hỗ trợ về thủ tục xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về thủ tục xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm vui lòng xem thêm tại đây.

ĐẶNG THỊ HỒNG ƠN

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button