Doanh nghiệp có phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh không? Đây là một câu hỏi mà rất ít người quản lý doanh nghiệp có thể trả lời được hoặc biết câu trả lời nhưng còn rất mơ hồ về nó. Hãy cùng Nacilaw đi tìm hiểu quy định về việc báo cáo của doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh qua nội dung dưới đây.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 216 của Luật Doanh nghiệp 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền “c) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp”. Với quy định này có thể thấy, doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế thì có rất ít doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo này, thường là các doanh nghiệp rơi vào một số trường hợp sau:
- Thứ nhất, là trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Trong trường hợp này, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện thay đổi tên doanh nghiệp theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Thứ hai, là trường hợp không thực hiện tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Trong trường hợp này, doanh nghiệp không tạm ngừng, không chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo yêu cầu thì Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Thứ ba, là trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác: Khi có yêu cầu phải hoàn chỉnh và nộp lại hồ sơ theo quy định nhưng doanh nghiệp không thực hiện, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Thứ tư, là trường hợp khi xét thấy cần thiết: Đây là trường hợp mà chỉ cần cơ quan đăng ký kinh doanh nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu của việc vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp thì sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện việc báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp. Ví dụ tiêu biểu trường hợp này là việc tăng vốn điều lệ lên cao hoặc việc giảm vốn điều lệ xuống thấp một cách bất thường, hoặc trường hợp khi nhận được thông tin có căn cứ về việc doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tổ chức, cá nhân chỉ phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp khi nhận được yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trường hợp mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoặc báo không đúng thời hạn hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, không chính xác theo yêu cầu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 212 Luật Doanh nghiệp thì “Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản” thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Với các nội dung đã nêu bên trên, có thể thấy, doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi nhận được yêu cầu. Do đó, trường hợp không nhận được yêu cầu thì doanh nghiệp không phải thực hiện việc báo cáo này.
TRAN DUC THIEN
(Legal Consultant)