Tin tức

Canhtranhkhonglanhmanh

HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH LIÊN QUAN ĐẾN NHÃN HIỆU

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã kéo theo sự phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Việc các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay là làm thế nào để sản phẩm của mình phân biệt được với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác và gây ấn tượng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng kinh doanh, lợi dụng uy tín có sẵn của các nhãn hiệu đã được bảo hộ thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh để tạo ra lợi thế bất chính và gây tổn hại đến sự độc quyền và giá trị của nhãn hiệu.

1. Căn cứ pháp lý

  • Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp;
  • Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022;
  • Luật cạnh tranh năm 2018;
  • Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

2. Thế nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018:

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng đã xuất hiện trước đó tại Điều 10 bis của Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

Bất cứ hành động nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh”.

Như vậy có thể hiểu theo nghĩa bao quát hơn, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là tất cả các hoạt động hoặc hành động của các doanh nghiệp hoặc cá nhân trong quá trình cạnh tranh kinh doanh mà vi phạm các nguyên tắc và quy định công bằng, minh bạch và đạo đức trong môi trường kinh doanh. Cạnh tranh không lành mạnh có thể làm hạn chế cũng như triệt tiêu cạnh tranh đồng nghĩa với việc triệt tiêu động lực phát triển kinh tế và xâm hại lợi ích của cộng đồng cũng như xã hội.

3. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

Pháp luật kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay có cơ chế điều chỉnh dựa trên nền tảng của pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở của Công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp – Công ước Paris năm 1883, tại khoản 1 Điều 130 của Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) quy định các hành vi cụ thể như sau:

Thứ nhất, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn

Chỉ dẫn thương mại có thể được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá. (Căn cứ theo Khoản 2 Điều 130 của Luật SHTT)

Về hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, điểm c Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (TT số 11/2015/TT-BKHCN) quy định:

Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ thể quyền yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Các dạng hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn được quy định tại Khoản 3 Điều 130 Luật SHTT là:

  • Hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo.
  • Hành vi bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.

Thứ hai, hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài ở Việt Nam, mà việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng

Công ước Paris năm 1883 có một điều khoản quy định về việc cấm người đại diện, đại lý của nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp như sau:

Điều 6 septies. Nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu dưới tên của người đại diện hoặc đại lý  mà không được chủ nhãn hiệu cho phép

(1) Nếu đại lý hoặc người đại diện của người là chủ nhãn hiệu tại một trong số các nước thành viên của Liên minh vẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho chính mình tại một hoặc nhiều nước thành viên của Liên minh, mà không được sự cho phép của người chủ đó thì chủ nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng ký hoặc đề nghị huỷ bỏ việc đăng ký đó, hoặc, nếu luật quốc gia cho phép, chuyển việc đăng ký đó cho mình, trừ trường hợp đại lý hoặc người đại diện biện hộ được cho hành động của mình.

(2) Người chủ nhãn hiệu, theo các quy định tại khoản (1) nêu trên, có quyền phản đối việc đại lý hoặc người đại diện sử dụng nhãn hiệu của mình nếu không cho phép việc sử dụng đó.”

            Tương tự với quy định này, pháp luật Việt Nam cụ thể hóa và xác định rõ hành vi đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 130 Luật SHTT:

Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

Thứ ba, chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ

Thủ tục đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước thì được quyền sử dụng trước, ngoại trừ các tên miền thuộc phạm vi được ưu tiên bảo vệ theo quy định hoặc các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ thể đăng ký tên miền phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu cũng được xác định là hành vi cạnh trạnh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Để xác định hành vi đó có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh không cần căn cứ vào các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 19 TT số 11/2015/TT-BKHCN:

Sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ hoặc được sử dụng rộng rãi để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn và lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó; hoặc

Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam và có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền

4. Giải pháp cho doanh nghiệp

Có thể thấy, cạnh tranh là một yếu tố tất yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh lại là những hành vi trái với những chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu có thể gây ra những hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp và các bên liên quan. Vì vậy, việc xác định đúng và kịp thời đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được coi là bước đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi và uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

Để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, các doanh nghiệp nên tiến hành một số biện pháp sau đây:

  • Đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu: Tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có quyền độc quyền và pháp lý về tên, logo, và các yếu tố nhận dạng khác. Việc nhãn hiệu được bảo hộ sẽ là một cách quan trọng để ngăn chặn người khác sử dụng trái phép hoặc gian lận với thương hiệu của doanh nghiệp.
  • Theo dõi và giám sát thị trường: Theo dõi sự xuất hiện của hàng hóa giả mạo, hàng giả, hoặc các sản phẩm không chính hãng. Giám sát các kênh bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến để phát hiện và can thiệp sớm vào các trường hợp vi phạm.
  • Tăng cường giáo dục và nhận thức: Tạo ra chương trình giáo dục và tăng cường nhận thức cho khách hàng, đối tác kinh doanh và công chúng về nhãn hiệu thuộc sở hữu độc quyền của doanh nghiệp. Tăng cường nhận thức về giá trị và chất lượng của sản phẩm của doanh nghiệp có thể giúp ngăn chặn khách hàng sử dụng các sản phẩm không chính hãng.
  • Hợp tác với các cơ quan chức năng: Hợp tác với cơ quan chức năng như cơ quan quản lý nhãn hiệu, cơ quan chống gian lận thương mại và cơ quan thực thi pháp luật để tiếp cận và giải quyết các trường hợp vi phạm nhãn hiệu.
  • Thực hiện biện pháp pháp lý: Nếu bạn phát hiện có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cần liên hệ với luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để đưa ra chiến lược phù hợp và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết.

Lê Thị Ngọc Thắm

Chuyên viên tư vấn Sở hữu trí tuệ.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button