Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản ghi nhận thông tin đăng ký dự án đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam hoặc nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thông qua việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được nhà nước cho phép chuyển đổi đất, sử dụng đất và hưởng các chính sách ưu đãi thuế theo pháp luật.
Luật đầu tư ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài trước khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam phải đề xuất và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư. Đây là hình thức đầu tư nước ngoài trực tiếp, là điều kiện phải có trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế, con dấu của công ty.
Với lợi thế là một những thị trường năng động, nguồn lao động tay nghề cao, chính trị ổn định đã giúp cho Việt Nam trở thành điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài trong năm tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký dự án cấp mới, dự án điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỷ USD. Trong đó, có 587 dự án đầu tư được cấp đăng ký mới và 395 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, uớc tính các dự án đã giải ngân được 7,71 tỷ USD.
Khi được cấp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ bao gồm những thông tin sau:
- Thông tin nhà đầu tư;
- Thông tin về dự án đầu tư bao gồm: Tên dự án, vốn đầu tư, địa điểm thực hiện dự án, mục tiêu dự án, quy mô, tiến độ thực hiện dự án;
- Ưu đãi đầu tư;
- Quy định về điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thể hiện các nội dung của một dự án đầu tư mà nhà đầu tư đăng ký hoạt động trên một địa điểm cụ thể. Nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án chỉ được thực hiện những nội dung đã cấp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp. Trong quá trình thực hiện dự án nếu có sự thay đổi sẽ phải thực hiện thủ tục đăng kýđiều chỉnh với cơ quan đã cấp.
Để làm rõ hơn những trường hợp phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hậu quả pháp lý đối với những trường hợp đã thay đổi nhưng không thực hiện đăng ký điều chỉnh, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin pháp lý cơ bản về của pháp luật về điều chỉnh dự án đầu tư.
1. Những trường hợp phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tại Điều 41, Luật Đầu tư 2020 quy định trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh với các nội dung có sự thay đổi như sau:
- Tên dự án đầu tư;
- Nhà đầu tư;
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng;
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;
- Vốn đầu tư của dự án đầu tư (bao gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động);
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Tiến độ thực thực hiện dự đầu tư;
- Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
- Sáp nhập các dự án.
Đối với những trường hợp dự án đầu tư thay đổi dẫn đến thay thay đổi chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải tiến hành điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc việc điều chỉnh dẫn đến việc phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải tiến hành xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Quy trình điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trường hợp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Thời gian thực hiện điều chỉnh là 03 ngày làm việc kể từ nộp hồ sơ hợp lệ.
Tại Khoản 2 Điều 47, Khoản 10 Điều 48, điểm c Khoản 3 Điều 50 Nghị định 31/2021/NĐ-CP đối với điều chỉnh các nội dung dự án đầu tư còn lại không thuộc trường hợp trên, nhà đầu tư nộp 01 bộ bao gồm:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
- Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Giải trình/cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung cần điều chỉnh.
Thời gian thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 10 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan đăng ký đầu tư nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần lấy ý kiến của cơ của các cơ quan chuyên môn khác thì thời hạn có thể kéo dài.
Cụ thể quy trình thực hiện, bao gồm các bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Xem xét, đánh giá và xác định các nội dung cần điều chỉnh;
- Bước 2: Tiến hành thực hiện soạn hồ sơ điều chỉnh;
- Bước 3: Nộp hồ sơ điều chỉnh tại cơ quan quản lý đầu tư;
- Bước 4: Cung cấp, bổ sung tài liệu (nếu có);
- Bước 5: Nhận kết quả điều chỉnh (thời hạn 3 ngày hoặc 10 ngày tùy thuộc vào nội dung điều chỉnh).
Đối với một số trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến của các cơ quan cùng cấp để đánh giá dự án trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh cho nhà đầu tư.
3. Hậu quả pháp lý khi không điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Phạt hành chính: Tại Nghị định 122/2021/NĐ -CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì đối với những trường hợp không điều chỉnh đăng ký đầu tư trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thi bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 VNĐ – 100.000.000 VNĐ và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với đúng nội dung mà dự án đã điều chỉnh sau khi nộp phạt vi phạm hành chính.
- Phong tỏa tài khoản vốn của nhà đầu tư: Trong một số trường hợp vi phạm về thời gian góp vốn thì nhà đầu tư không chuyển được tiền đầu tư vào hoặc rút vốn đầu tư, lợi nhuận nếu không điều chỉnh.
-
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ -CP hướng dẫn luật đầu tư;
- Thông tư 03/2021/TT-BKĐT quy định biểu mẫu;
- Nghị định 122/2021/NĐ -CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;Không được hưởng chính sách ưu đãi thuế: Nhà đầu tư không điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể bị cơ quan quản lý thuế xem xét điều kiện hưởng chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất vì vi phạm điều kiện đầu tư.
4. Căn cứ pháp lý.
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ -CP hướng dẫn luật đầu tư;
- Thông tư 03/2021/TT-BKĐT quy định biểu mẫu;
- Nghị định 122/2021/NĐ -CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Trên đây là một số ý kiến về điều chỉnh dự án đầu tư cũng như các hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật và dựa trên kinh nghiệm được các luật sư Nacilaw tổng hợp qua các vụ việc thực tiễn. Nhà đầu tư có thể liên hệ với Nacilaw (nacilaw.com; info@nacilaw.com) để được cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý đối với từng trường hợp điều chỉnh cụ thể cũng như dự phòng các rủi ro.
VŨ THỊ THANH HẢO
Attorney at Law