1. Căn cứ pháp lý
- Các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên;
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư;
- Các quy định của pháp luật Việt Nam chuyên ngành về điều kiện của các ngành, nghề kinh doanh.
2. Nội dung
Năm 1986, nước ta bắt đầu tiến hành mở cửa, hội nhập, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Từ đó đến nay đã có hàng nghìn cá nhân, tổ chức nước ngoài đến và đầu tư tại nước ta, đem lại hàng chục tỷ USD vốn đầu tư, đóng góp tích cực vào GDP mỗi năm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ tại những vùng đất mà họ đã đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào tất cả các ngành nghề kinh doanh như đối với các nhà đầu tư trong nước. Vậy, pháp luật quy định về ngành nghề đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Pháp luật Việt Nam xây dựng một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về ngành nghề đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phân chia thành các bộ phận: các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước, các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư tại Việt Nam (chưa được tiếp cận thị trường), và các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng các điều kiện nhất định (tiếp cận thị trường có điều kiện). Bộ khung pháp lý này được quy định cụ thể tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các luật chuyên ngành cho từng ngành nghề cụ thể và các văn bản hướng dẫn thị hành.
3. Ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư tại Việt Nam (chưa được tiếp cận thị trường)
Ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường được quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ. Các ngành nghề này có thể kể đến như kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh, dịch vụ tư pháp,… Việc Nhà nước ta quy định chưa được tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành này nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ các ngành kinh tế chủ chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển sản xuất-dịch vụ trong nước, …
4. Ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường có điều kiện
Đây là những ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các điều kiện nhất định, tùy thuộc vào pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các điều kiện đó có thể kể đến như:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy định về ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện được quy định tại các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương, Mục B Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ và các quy định pháp luật chuyên ngành. Khi tìm hiểu về các ngành nghề đầu tư có điều kiện, các nhà đầu tư nước ngoài cần kết hợp các văn bản trên để tìm ra điều kiện chính xác nhất với ngành nghề mình muốn đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.
Ví dụ:
Đối với ngành dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan), theo quy định tại WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA, EVFTA, CPTPP thì các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh mà không hạn chế vốn sở hữu (thành lập liên doanh là hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam). Còn theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics thì trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Như vậy, về cơ bản, để có thể đầu tư tại Việt Nam trong ngành dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan, nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh, liên kết với nhà đầu tư Việt Nam dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
5. Đối với các ngành nghề còn lại, Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
*Lưu ý:
Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề như trên, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:
- Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
- Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
- Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
- Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
- Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ví dụ: Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuê văn phòng, tòa nhà tại Việt Nam làm trụ sở, địa điểm kinh doanh, văn phòng thì phải đáp ứng các quy định của Luật nhà ở 2014, Luật kinh doanh bất động sản 2014, cụ thể:
- Được sở hữu thông qua việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, điều kiện là phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cần phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó.
Để lựa chọn ngành nghề đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư vui lòng liên hệ với Nacilaw để được tư vấn cụ thể về điều kiện tiếp cận thị trường, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan khi thực hiện dự án đầu tư.
TRẦN ĐỨC THIỆN
(Legal Consultant)