Tin tức

Phi Truyen Thong

Nhãn hiệu phi truyền thống

Theo dòng chảy tất yếu của cuộc sống, tất cả sự vật sự việc đều có bước chuyển mình thay đổi; có những sự vật còn đó, có những sự vật mất đi và tất nhiên có những sự vật mới xuất hiện. Những giá trị tồn tại lâu đời, chúng ta gắn nó vào ý niệm “truyền thống”, những thứ xuất hiện mới chẳng trong khuôn khổ vốn có, chúng ta gọi chúng là “phi truyền thống”. Nhắc đến nhãn hiệu – một loại tài sản trí tuệ quan trọng, chúng ta có lạ lẫm với cái tên “nhãn hiệu phi truyền thống” (non-conventional trademark)?

Trước hết, chúng ta cần gợi nhớ một chút về nhãn hiệu truyền thống (ordinary trademark hoặc conventional trademark) – nhãn hiệu đã được công nhận và biết đến trong suốt thời gian qua. Đó là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác nhau. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thì những dấu hiệu đó phải “nhìn thấy đượcvà có khả năng phân biệt, được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Những dấu hiệu trên ấn tượng với người tiêu dùng thông qua thị giác, vậy những dấu hiệu có thể tác động đến những giác quan khác của con người thì sao?

Chưa có bất kỳ định nghĩa chính thống nào về nhãn hiệu phi truyền thống. Theo Báo cáo khảo sát nhãn hiệu phi truyền thống của APEC (Report for APEC Survey on Non-Traditional Trade Marks), đã liệt kê ra một số nhãn hiệu phi truyền thống phổ biến như: âm thanh (soud mark), mùi hương (scent mark), nhận diện thương mại (trade dress), nhãn hiệu ba chiều (three-dimensional mark), màu sắc (colour mark). Ngoài ra, còn một số loại được biết đến trên thế giới như: nhãn hiệu vị trí (position mark), nhãn hiệu xúc giác (tough mark), nhãn hiệu vị giác (taste mark), nhãn hiệu chuyển động (motion mark),…

 Thực tế, nhãn hiệu phi truyền thống đã được công nhận tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Peru, Australia, Hồng Kông, Canada, Singapore,… Đặc biệt, Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống. Áp dụng hệ thống luật thực định (common law), Hoa Kỳ thừa nhận tất cả các dấu hiệu có thể được cảm nhận bằng năm giác quan của con người mà đạt được khả năng phân biệt (bất kể có khả năng tự phân biệt hay đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng và đạt được ý nghĩa phụ) thì đều có thể được đăng ký (hoặc thừa nhận) là nhãn hiệu.

Chúng ta có thể nhớ đến âm thanh tiếng sư tử gầm quen thuộc của hãng phim Metro Goldwyn Meyer (MGM). Hay một ví dụ rất thú vị về nhãn hiệu vị trí (position mask): Levi Strauss & Co được Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) bảo hộ cho nhãn hiệu là một nhãn mác gắn ở phía ngoài phần túi hông (khác với nhãn mác thông thường sẽ được gắn ở phần đường chỉ bên hông).

Trong quá trình xây dựng và đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái bình Dương (TPP), Hoa Kỳ đã cố gắng đưa điều khoản yêu cầu các thành viên thừa nhận nhãn hiệu phi truyền thống. Sau này (năm 2017), khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP và Hiệp định đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì tại Điều 18.18 Mục C (Nhãn hiệu) Chương 18 về Sở hữu trí tuệ vẫn quy định: “Không bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Thêm vào đó mỗi Bên phải nỗ lực hết sức để đăng ký nhãn hiệu mùi. Một Bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu”.

Như vậy, CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (sound mark) và khuyến nghị bảo hộ nhãn hiệu mùi (scent mark). Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, tuy nhiên đây là một trong những nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn thực hiện trong vòng 03 năm (14/01/2022). Theo quyết định 121/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 24 tháng 01 năm 2019, Việt Nam sẽ sớm rà soát và thay đổi các văn bản pháp luật để tuân thủ cam kết với CPTPP, trong đó có các văn bản thuộc lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Dù vẫn còn nhiều thách thức với Việt Nam về vấn đề áp dụng những thay đổi này, nhưng chúng ta vẫn luôn hi vọng sẽ sớm thấy các nhãn hiệu phi truyền thống được bảo hộ tại Việt Nam trong tương lai không xa.

 

NACI LAW,

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng  Hồ Chí Minh: Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.

Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.  

Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:

  1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
  2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
  3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
  4. Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.
Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button