Tin tức

Phan Biet Kieu Dang Cong Nghiep Va Tac Pham My Thuat Ung Dung

PHÂN BIỆT KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ TÁC PHẨM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG

1. Khái niệm

Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 3 nhóm quyền chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thuộc quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, còn đối với kiểu dáng công nghiệp là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

Căn cứ pháp lý khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí”.

Căn cứ Khoản 13 Điều 4 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.

2. So sánh kiểu dáng công nghiệp và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

2.1. Về căn cứ xác lập quyền:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: được xác lập trên cơ sở tác phẩm được định hình dưới dạng hình thức vật chất cố định và bảo hộ dựa trên cơ chế tự động, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Kiểu dáng công nghiệp: được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật SHTT hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2.2. Về chủ thể có quyền đăng ký:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: chủ thể có quyền đăng ký là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nhà đầu tư cho tác giả sáng tạo ra tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không có quyền nộp đơn đăng ký và đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả vì đối với quyền tác giả, không phải đầu tư là có thể trở thành đồng sở hữu mà phải đáp ứng điều kiện về xác lập quan hệ giao việc hoặc thuê việc.

Các chủ thể có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là tác giả đã tạo ra các đối tượng trên bằng công sức và chi phí của mình; hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và trong trường hợp có quy định khác của pháp luật. Ngoài ra chủ thể có quyền đăng ký có thể là Nhà nước trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền đăng kí này. Nhà đầu tư cho tác giả sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp cũng là người có quyền đăng ký và đứng tên trên văn bằng bảo hộ với tư cách đồng chủ văn bằng cùng tác giả.

2.3. Về điều kiện bảo hộ:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: tác phẩm được tự động bảo hộ khi tác phẩm được định hình dưới một dạng hình thức vật chất nhất định và có tính sáng tạo của tác giả trong tác phẩm. Ví dụ: tác phẩm được thể hiện trên giấy, hoàn thiện dựa trên các công cụ của máy tính,…

Kiểu dáng công nghiệp: Có tính mới (chưa được bộ lộ công khai ở bất kỳ nơi nào, bằng bất kỳ hình thức nào), có tính sáng tạo (có sự khác biệt đáng kể với các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ trước đó) và có khả năng áp dụng công nghiệp (có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp).

Điều 64 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định về các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

“Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.”

2.4. Về phạm vi bảo hộ:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: bảo hộ sự sắp xếp, cách điệu về mặt hình ảnh, màu sắc, bố trí được thể hiện trên tác phẩm (bảo hộ về mặt hình thức), không bảo hộ về nội dung, ý tưởng tác phẩm. Ví dụ: đường viền, hoa văn, họa tiết thể hiện trên tác phẩm,…

Kiểu dáng công nghiệp: Bảo hộ độc quyền hình dáng, đường nét, màu sắc (hay còn gọi là bảo hộ nội dung, ý tưởng sáng tạo của sản phẩm).

2.5. Về thời hạn bảo hộ:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: căn cứ Khoản 2 Điều 27 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

Kiểu dáng công nghiệp: căn cứ Khoản 4 Điều 93 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022: “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 2 liên tiếp, mỗi lần 5 năm”. Vì vậy, thời hạn bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm.

2.6. Về thời hạn thẩm định hồ sơ đăng ký:

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời gian thẩm định đơn đăng ký ngắn hơn (15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ) và đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian thẩm định kéo dài hơn so với quy định của luật, thông thường mỗi hồ sơ đăng ký quyền tác giả sẽ kéo dài khoảng 25-30 ngày làm việc.

Kiểu dáng công nghiệp có thời hạn thẩm định đơn là 10 tháng kể từ ngày nộp đơn, thủ tục đăng ký sẽ thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thuộc Bộ Khoa học công nghệ. Cũng giống như thủ tục đăng ký quyền tác giả, thời gian thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trên thực tế sẽ kéo dài từ 14 đến 16 tháng.

Như vậy, có thể thấy rằng hai loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp là hai đối tượng bảo hộ khác nhau, mỗi hình thức bảo hộ có những ưu, nhược điểm khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích của mỗi tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký.

Khi đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng sẽ chỉ bảo hộ về hình thức của tác phẩm, chỉ xử lý xâm phạm được trong trường hợp người khác sao chép hoặc sử dụng y nguyên hình thức trong tác phẩm gốc. Bên cạnh đó, mặc dù đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chi phí thấp hơn so với đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhưng cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được đánh giá là yếu hơn kiểu dáng công nghiệp do chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không thể ngăn cấm người khác tạo ra và sử dụng những thiết kế trùng hoặc tương tự. Hay nói cách khác là phải có sao chép mới có xâm phạm quyền.

Đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp bảo hộ độc quyền về mặt nội dung, ý tưởng sáng tạo nên chủ sở hữu được độc quyền khai thác, sử dụng kiểu dáng công nghiệp và hơn nữa là có quyền được ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp bảo hộ tối ưu nhất về sự sáng tạo của sản phẩm. phù hợp với hoạt động kinh doanh và mang tính chất thương mại hơn so với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.Trường hợp sử dụng kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.

VUONG OANH

(​Intellectual Property Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button