Hiện nay, thị trường công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mé, các sản phẩm phần mềm/ chương trình máy tính ra đời để giải quyết hoặc hỗ trợ các công việc trong sinh hoạt, lao động, giải trí, thương mại của con người. Chương trình máy tính (CTMT) là một tài sản sở hữu trí tuệ, mang lại lợi thế kinh doanh cho người nắm giữ, là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Hiệp định Trips - Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ nêu rõ tại Khoản 1 Điều 10 về hình thức bảo hộ đối với CTMT: “Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971)”.
Dựa trên tinh thần tại Điều 10 của Hiệp định, pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT): “Chương trình máy tính (CTMT) là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. CTMT được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”.
Đồng thời, CTMT là đối tượng bị loại trừ không được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật SHTT. Tham chiếu Quy chế thẩm định sáng chế cụ thể tại Điều 5.8.2.5 nêu rằng: “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế”. Do đó, có thể hiểu rằng nếu CTMT thực sự là một giải pháp kỹ thuật, liên kết với một thiết bị kỹ thuật và được thể hiện mô tả được dưới dạng quy trình thì có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế. Hiện nay, bên cạnh các quốc gia không bảo hộ CTMT dưới dạng sáng chế (Việt Nam, Anh, Pháp, EU) thì cũng có một số quốc gia không phủ định việc bảo hộ sáng chế liên quan đến CTMT trong các đạo luật của họ như Mỹ, Canada, Australia. Mặc dù trong Quy chế thẩm định sáng chế nêu về trường hợp ngoại lệ CTMT có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế nhưng dù sao CTMT đã bị loại trừ không cấp văn bằng bảo hộ sáng chế theo quy định của Luật SHTT, vì vậy quyền tác giả là hình thức bảo hộ duy nhất và phù hợp nhất.
Thời điểm phát sinh quyền đối với một CTMT là kể từ khi CTMT được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định và quyền tác giả được tự động phát sinh, không phụ thuộc vào việc đăng ký tại cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc đăng ký tại cơ quan nhà nước là một thủ tục ghi nhận quyền tác giả, tránh được nghĩa vụ chứng minh khi có tranh chấp phát sinh. Quyền tác giả sẽ được tự động bảo hộ trong phạm vi các quốc gia thành viên của Công ước Bern 1971 (177 quốc gia).
1. Về đối tượng bảo hộ
Khi đăng ký quyền tác giả đối với CTMT sẽ được bảo hộ về hình thức thể hiện (giao diện, bối cảnh) và mã code chứ không bảo hộ ý tưởng của CTMT. Tuy nhiên, chủ sở hữu CTMT sẽ bị thiệt hại về kinh tế nếu bị sao chép tác phẩm bất hợp hợp, do đó CTMT được bảo hộ như một tác phẩm văn học sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hành vi sao chép của đơn vị khác.
Bên cạnh đó, do pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của CTMT nên tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không thể ngăn cản người sử dụng CTMT hay các tổ chức, cá nhân khác tiến hành các phân tích ngược CTMT để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của CTMT nhằm mục đích phát triển. Người tiến hành phân tích ngược thành công sẽ là chủ sở hữu của CTMT mới. Việc này góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm, có ý nghĩa lớn cho kinh tế-xã hội.
2. Về thời hạn bảo hộ
Theo quy định tại Điều 27 Luật SHTT quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn và quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả đối với CTMT được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
Trên cơ sở Công ước Bern, Hiệp định Trips và luật SHTT Việt Nam, CTMT chỉ được bảo hộ dưới dạng Quyền tác giả. Đây là hình thức đăng ký duy nhất để ngăn chặn việc sao chép trái phép CTMT.
Kết luận: Thông qua một số thảo luận về bảo hộ chương trình máy tính trong thực tiễn, Naci Law mong muốn đưa đến bạn đọc một góc nhìn đối với quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính và các thủ tục pháp lý khác, Qúy Khách hàng vui lòng liên hệ NaciLaw để được hỗ trợ.
NACILAW,
Vương Oanh
(Consultant Of Intellectual Property Office)