Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo thời gian, với sự phát triển của trí tuệ con người, số lượng sáng chế ngày càng tăng nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội, tạo ra giá trị của cải lớn trong tất cả các lĩnh vực như y tế, kỹ thuật, giáo dục, công nghệ,… Với ý nghĩa to lớn này, chủ sở hữu văn bằng sáng chế được pháp luật bảo hộ luôn được độc quyền sử dụng, khai thác và định đoạt nó để đảm bảo công sức, tiền bạc, cơ sở vật chất mà mình đã đầu tư để tạo ra sáng chế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho tổ chức, cá nhân khác mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế (chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo Hợp đồng độc quyền):
- Bộ, Cơ quan ngang Bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế trong lĩnh vực của mình quản lý nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Việc ban hành quyết định này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ khoa học và Công nghệ. Quy định này nhằm hướng tới lợi ích, sự phát triển chung của cộng đồng, nhằm đảm bảo an ninh – quốc phòng quốc gia, nghĩa vụ chung của tất cả các công dân. Với các tổ chức, cá nhân khác có khả năng, có nhiệm vụ hoặc có nhu cầu sử dụng sáng chế trong trường hợp này có thể nộp hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong đó có tài liệu chứng minh tại các trường hợp trên người nắm giữ độc quyền sáng chế đã không sử dụng sáng chế và việc không sử dụng sáng chế sẽ ảnh hưởng đến việc đạt được các mục đích được nêu. Ngoài ra còn Tờ khai, giấy ủy quyền nếu nộp thông qua đại diện, chứng từ nộp lệ phí, gửi tới bộ phận xử lý thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực của sáng chế được đề nghị.
- Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với các trường hợp sau:
+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế.
+ Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng (Không áo dụng với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn).
+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Trong ba trường hợp này, người yêu cầu phải nộp hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm tờ khai, tài liệu chứng minh, giấy ủy quyền nếu nộp thông qua đại diện và chứng từ nộp lệ phí.
Việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc chấm dứt khi căn cứ chuyển giao không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt này không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có thể chủ động yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế của mình tại thời điểm trên. Đồng thời, trong quá trình sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc chuyển giao, người nắm độc quyền có quyền hưởng khoản tiền đền bù thỏa đáng từ người được chuyển giao quyền sử dụng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của của quyền sử dụng trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định và vẫn được phép sử dụng hoặc chuyển quyền sử dụng cho chủ thể khác.
NACI LAW,
Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.
Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.
Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:
- Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
- Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
- Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
- Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.