Doanh nghiệp hỗ trợ công nghiệp
Nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp cũng như ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cùng Naci Law tìm hiểu về những chính sách này thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013;
- Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013;
- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016;
- Luật đất đai 2013;
- Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Thông tư 55/2015/TT-BTC quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
1. Ưu đãi đối với ngành công nghiệp hỗ trợ:
Ưu đãi chung:
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp;
Ưu đãi về thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Ưu đãi về tín dụng:
- Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước;
- Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
Ưu đãi về thuế giá trị gia tăng: Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý;
Ưu đãi về Bảo vệ môi trường: Được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.
Ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Ngoài những ưu đãi chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được hưởng một số ưu đãi:
Tín dụng đầu tư: Được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác;
- Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác;
- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Tiền thuê đất, mặt nước:
- Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Trường hợp Dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại tiết trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Điều kiện nhận hỗ trợ
Để nhận được hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin Giấy xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
DANG THI THAO ANH
(Legal Consultant)