Tư vấn đầu tư

Pexels Lukas 669615

CHUYỂN NHƯỢNG 50% VỐN CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

1. Căn cứ pháp lý

  • Biểu cam kết WTO;
  • Luật đầu tư 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
  • Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam;
  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về Đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26 tháng 06 năm 2019 của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của luật thuế thu nhập cá nhân và nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi , bổ sung một số điều luật của luật thuế thu nhập cá nhân.
  • Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó luôn tạo ra môi trường tốt nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư năm 2020 có nội dung nhiều đổi mới đã nhiều tạo điều kiện tốt hơn cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Vậy khi Công ty Việt Nam muốn nhận vốn nước ngoài thông qua việc chuyển nhượng một phần vốn góp/cổ phần trong công ty thì cần xem xét những điều kiện gì? Quy trình thực hiện như thế nào? Cần lưu ý các vấn đề gì? Naci Law xin tư vấn cụ thể qua bài viết bên dưới. 

2. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại 50% phần vốn góp/cổ phần trong Công ty Việt Nam

  • Điều kiện về quốc tịch nhà đầu tư:

Trước tiên cần xem xét quốc tịch Nhà đầu tư có là thành viên trong điều ước quốc tế về đầu tư có hiệu lực đối với Việt Nam hoặc thuộc vào trường hợp điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác để áp dụng các quy định phù hợp đối với nhà đầu tư. Trong trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO và đồng thời không phải là quốc gia, vũng lãnh thổ có quy định khác thì vẫn được thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO.

  • Điều kiện về ngành, nghề:

Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021), gồm: ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Do vậy để mua lại phần vốn góp của Công ty Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem xét về ngành nghề của Công ty dự định mua, có thuộc vào điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường dựa trên các hình thức hạn chế sau:

+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

+ Hình thức đầu tư;

+ Phạm vi hoạt động đầu tư;

+ Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

+ Điều kiện khác.

Ngoài ra, về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài nhà đầu tư có thể xem tại Cổng thông tin quốc gia về đầu tư (https://fdi.gov.vn/)

  • Các điều kiện khác:

Ngoài điều kiện về quốc tịch nhà đầu tư, điều kiện về ngành, nghề, thì nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây (nếu có): (i) Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; (ii) Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; (iii) Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;(iv) Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;(v) Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (vi) Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

3. Quy trình thực hiện nhận chuyển nhượng 50% phần vốn góp/cổ phần

Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn góp/cổ phần tại tổ chức kinh tế có ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc mua phần vốn góp/cổ phần tại tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biên, khu vụ khác có ảnh hưởng an ninh quốc phòng thì Nhà đầu tư phải tiên hành thủ tục đăng ký mua phần vốn góp/cổ phần trước khi thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Bước 1: Xin công văn chấp thuận mua lại 50% phần vốn góp trong Công ty Việt Nam.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị xin công văn chấp thuận mua lại phần vốn góp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam;
  • Giấy tờ pháp lý của nhà đầu tư;

Bước 2: Sau khi có kết quả chấp thuận việc mua lại 100% phần vốn vốn góp trong Công ty Việt Nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản đầu tư tại một ngân hàng được phép và chuyển phần vốn góp tương ứng vào tài khoản trên.

Bước 3: Nhà đầu tư thực hiện thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng và bên chuyển nhượng tiến hành kê khai thuế chuyển nhượng phần vốn góp.

Hồ sơ cần chuẩn bị kê khai thuế:

  • Trường hợp bên chuyển nhượng là cá nhân: Khai theo tại thời điểm chuyển nhượng không phân biệt có phát sinh thu nhập

+ Tờ khai thuế;

+ Hoá đơn, hợp đồng và chứng từ khác liên quan đến nghĩa vụ thuế.

  • Trường hợp bên chuyển nhượng là tổ chức: kê khai theo quý và quyết toán năm

+ Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chuyển nhượng vốn;

+ Hợp đồng chuyển nhượng, chứng từ gốc của các khoản chi phí;

+ Công văn chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài được mua lại phần vốn góp;

+ Chứng nhận góp vốn.

Lưu ý:

  • Đối với cá nhân khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực;
  • Việc chậm nộp tờ khai thuế có thể bị xử phạt vi phạm chậm nộp.

Bước 4: Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh

Chi tiết: Ghi nhận thành viên mới, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (nếu có)

Lưu ý: Đối với trường hợp, việc nhận chuyển nhượng 50% hoặc dưới 50% phần vốn góp/cổ phần trong tổ chức kinh tế nhưng không thuộc vào các trường hợp được nêu trên. Tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như chuyển nhượng cho cá nhân/tổ chức trong nước, được thực hiện bắt đầu từ Bước 3.

*Một số điểm cần lưu ý khi nhà đầu tư nước ngoài mua lại 50% phần vốn góp/cổ phần của Công ty Việt Nam:

Thứ nhất, nhà đầu tư nên thẩm tra thông tin sơ bộ Công ty Việt Nam về điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng phát triển của công ty để đưa ra quyết định phù hợp. Sau khi có quyết định chính thức mua lại Công ty Việt Nam, nhà đầu tư cần phải tiến hành thẩm định chuyên sâu doanh nghiệp về tình hình của Công ty mà nhà đầu tư muốn đầu tư vào, nhờ sự hỗ trợ của luật sư, kế toán và chuyên gia thẩm định doanh nghiệp để lường trước được các rủi ro như: rủi ro về pháp lý, rủi ro về tài chính và các mức độ rủi ro khác tiềm ẩn, qua đó xác định được giá trị giao dịch. Việc tìm hiểu rõ tình hình của công ty sẽ giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thật của phần vốn góp, cơ hội sinh lợi và xác định chiến lược kinh doanh.

Thứ hai, khi đã đáp ứng điều kiện yêu cầu của nhà đầu tư và quyết định mua lại phần vốn góp của Công ty Việt Nam. Nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận các điều kiện cần đáp ứng của nhà đầu tư nước ngoài như đã đề cập tại phần trên, đặc biệt là điều kiện về ngành nghề, trong trường hợp Công ty Việt Nam, có ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường hoặc ngành nghề có hạn chế tiếp cận thị trường mà Nhà đầu tư không đáp ứng được điều kiện đó, nhằm để đơn giản thủ tục. Trường hợp đầu tư vào ngành, nghề có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn, nhà đầu tư cần lưu ý đảm bảo đáp ứng điều kiện về vốn sau khi nhận chuyển nhượng.

Thứ ba, cần rà soát lại các ngành nghề có điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần, để xin giấy phép trước khi hoạt động. Đồng thời để không gián đoạn thời gian thực hiện, nhà đầu tư nước ngoài nên chuẩn bị trước các tài liệu cần thiết trước khi tiến hành nhận chuyển nhượng.

Cuối cùng, nhà đầu tư nên tìm đến một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để được hỗ trợ toàn bộ quy trình, nhằm giảm thiểu các rủi ro, giúp thủ tục pháp lý được rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án được nhanh chóng.

LE PHAT DAT

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button