Căn cứ pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng vốn:
- Biểu cam kết WTO;
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam;
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về Đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26 tháng 06 năm 2019 của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của luật thuế thu nhập cá nhân và nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi , bổ sung một số điều luật của luật thuế thu nhập cá nhân.
- Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế; luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Vậy để có thể mua lại toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện?
- Điều kiện về quốc tịch nhà đầu tư:
Trước tiên cần xem xét quốc tịch Nhà đầu tư có là thành viên trong điều ước quốc tế về đầu tư có hiệu lực đối với Việt Nam hoặc thuộc vào trường hợp điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác để áp dụng các quy định phù hợp đối với nhà đầu tư. Trong trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO và đồng thời không phải là quốc gia, vũng lãnh thổ có quy định khác thì sẽ thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO.
- Điều kiện về ngành, nghề:
Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021), gồm: ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Do vậy để mua lại phần vốn góp của Công ty Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem xét về ngành nghề của Công ty dự định mua, có thuộc vào điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường dựa trên các hình thức hạn chế sau:
+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
+ Hình thức đầu tư;
+ Phạm vi hoạt động đầu tư;
+ Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
+ Điều kiện khác.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức trên sẽ được đăng tải, cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư (https://fdi.gov.vn/)
- Các điều kiện khác:
Ngoài điều kiện về quốc tịch nhà đầu tư, điều kiện về ngành, nghề, thì nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây (nếu có): (i) Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; (ii) Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; (iii) Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;(iv) Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;(v) Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (vi) Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Quy trình thực hiện mua lại toàn bộ phần vốn góp, tăng vốn điều lệ sau khi nhận chuyển nhượng?
Bước 1: Xin công văn chấp thuận mua lại 100% phần vốn góp trong Công ty Việt Nam.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị xin công văn chấp thuận mua lại phần vốn góp;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhà đầu tư;
- Điều lệ công ty nhà đầu tư;
- Xác nhận số dư tài khoản hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất.
Bước 2: Sau khi có kết quả chấp thuận việc mua lại 100% phần vốn vốn góp trong Công ty Việt Nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản đầu tư trực tiếp tại một ngân hàng được phép và chuyển phần vốn góp tương ứng vào tài khoản trên.
Bước 3: Nhà đầu tư thực hiện thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng và bên chuyển nhượng tiến hành kê khai thuế chuyển nhượng phần vốn góp.
Hồ sơ cần chuẩn bị kê khai thuế:
- Trường hợp bên chuyển nhượng là cá nhân: Khai theo tại thời điểm chuyển nhượng không phân biệt có phát sinh thu nhập (Thông tư 111/2013/TT-BTC)
+ Tờ khai thuế;
+ Hoá đơn, hợp đồng và chứng từ khác liên quan đến nghĩa vụ thuế.
- Trường hợp bên chuyển nhượng là tổ chức: kê khai theo quý và quyết toán năm (Thông tư 156/2013/TT-BTC)
+ Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chuyển nhượng vốn;
+ Hợp đồng chuyển nhượng, chứng từ gốc của các khoản chi phí;
+ Công văn chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài được mua lại phần vốn góp;
+ Chứng nhận góp vốn.
Lưu ý:
- Đối với cá nhân khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực;
- Việc chậm nộp tờ khai thuế có thể bị xử phạt vi phạm chậm nộp.
Bước 4: Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh
Chi tiết: Ghi nhận thông tin chủ sở hữu mới, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (nếu có)
Bước 5: Xin công văn chấp thuận góp vốn thêm (số vốn dự định tăng thêm sau khi nhận chuyển nhượng)
Hồ sơ cần chuẩn bị:
– Giấy đề nghị xin công văn chấp thuận góp vốn;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhà đầu tư;
– Điều lệ công ty nhà đầu tư;
– Xác nhận số dư tài khoản hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất.
Bước 6: Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh
Chi tiết: Tăng vốn điều lệ Công ty sau khi có công văn chấp thuận việc góp thêm vốn.
*Một số điểm cần lưu ý khi nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần vốn góp của Công ty Việt Nam:
Thứ nhất, nhà đầu tư nên thẩm tra thông tin sơ bộ Công ty Việt Nam về điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng phát triển của công ty để đưa ra quyết định phù hợp. Sau khi có quyết định chính thức mua lại Công ty Việt Nam, nhà đầu tư cần phải tiến hành thẩm định chuyên sâu doanh nghiệp về tình hình của Công ty mà nhà đầu tư muốn đầu tư vào, nhờ sự hỗ trợ của luật sư, kế toán và chuyên gia thẩm định doanh nghiệp để lường trước được các rủi ro như: rủi ro về pháp lý, rủi ro về tài chính và các mức độ rủi ro khác tiềm ẩn, qua đó xác định được giá trị giao dịch. Việc tìm hiểu rõ tình hình của công ty sẽ giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thật của phần vốn góp, cơ hội sinh lợi và xác định chiến lược kinh doanh.
Thứ hai, khi đã đáp ứng điều kiện yêu cầu của nhà đầu tư và quyết định mua lại phần vốn góp của Công ty Việt Nam. Nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận các điều kiện cần đáp ứng của nhà đầu tư nước ngoài như đã đề cập tại phần trên, đặc biệt là điều kiện về ngành nghề, trong trường hợp Công ty Việt Nam, có ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường hoặc ngành nghề có hạn chế tiếp cận thị trường mà Nhà đầu tư không đáp ứng được điều kiện đó, nhằm để đơn giản thủ tục. Nhà đầu tư cần phải yêu cầu Công ty Việt Nam xem xét loại bỏ những ngành nghề thực sự không cần thiết, chỉ để lại những ngành nghề chính và bổ sung những ngành, nghề mà Nhà đầu tư dự định thực hiện sau nhận chuyển nhượng trước khi tiến hành chuyển nhượng.
Thứ ba, để không gián đoạn thời gian thực hiện, nhà đầu tư nước ngoài nên chuẩn bị trước bản hợp pháp hoá lãnh sự và bản dịch công chứng các tài liệu sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Báo cáo tài chính hoặc xác nhận số dư ngân hàng (Số dư phải lớn hơn hoặc bằng phần vốn góp dự định nhận chuyển nhượng); hộ chiếu người đại diện vốn.
Cuối cùng, nhà đầu tư nên tìm đến một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để được hỗ trợ toàn bộ quy trình, nhằm giảm thiểu các rủi ro, giúp thủ tục pháp lý được rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án được nhanh chóng.
LE PHAT DAT
(Legal Consultant)
Để được tư vấn chi tiết về thủ tục pháp lý này, Qúy Khách hàng vui lòng liên hệ Naci Law để được hỗ trợ.
NACI LAW,
Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525
Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505
Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:
- Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
- Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
- Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
- Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.