Tin tức

09022023

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay các nhà sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng bên trong sản phẩm mà còn đặc biệt quan tâm đến hình dáng, đường nét, màu sắc bên ngoài sản phẩm, bởi lẽ chất lượng, giá cả, thương hiệu và trong đó yếu tố “hình thức” của sản phẩm là các nhân tố dẫn đến quyết định việc có hay không tiêu dùng sản phẩm. Đặc biệt hơn khi đối với một số sản phẩm, nhân tố quyết định chính đó là “hình thức” – yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm, ví dụ như trang sức, viên gạch, lọ hoa, … Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa về hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp được gọi là “kiểu dáng công nghiệp”.

Bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Chủ sở hữu nói riêng và xã hội nói chung. Theo đó, Chủ sở hữu sẽ được đảm bảo hành lang pháp lý trong việc tiến hành sản xuất, thương mại hợp pháp sản phẩm trên thị trường đang được bảo hộ; trường hợp Chủ sở hữu không còn nhu cầu hoặc không đủ khả năng sản xuất, thương mại sản phẩm thì có thể thương mại hóa quyền đối với kiểu dáng công nghiệp bằng cách chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được bảo hộ sẽ nâng cao giá trị thương hiệu của cá nhân/doanh nghiệp đó đối với đối tác, bạn hàng, ….; đồng thời sẽ thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trí tuệ của xã hội cũng như ngăn chặn sự sao chép của đối thủ cạnh tranh, tạo cơ chế dễ dàng xử lý xâm phạm hơn.

Để được pháp luật bảo hộ độc quyền, kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

Thứ nhất, kiểu dáng công nghiệp thuộc đối tượng được bảo hộ theo quy định pháp luật.

Cụ thể, nó là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp; có tập hợp các đặc điểm tạo dáng gắn liền với sản phẩm và có khả năng lưu thông độc lập.

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp nếu như: hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có; hoặc hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; hoặc hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm; đối tượng vi phạm chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ (kiểu dáng công nghiệp mang tính khiêu dâm, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, …).

Thứ hai, kiểu dáng công nghiệp có tính mới (tính mới trên toàn thế giới)

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Trong một số trường hợp đặc biệt, mặc dù kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ bởi chính Chủ sở hữu hoặc bất kỳ người khác trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên nhưng kiểu dáng công nghiệp đó vẫn được xem xét đáp ứng điều kiện tính mới. Cụ thể, kiểu dáng công nghiệp được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký;

b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Vì vậy, Chủ sở hữu cần có ý thức giữ bí mật kiểu dáng công nghiệp cũng như xây dựng cơ chế bảo vệ tài sản trí tuệ này một cách phù hợp trước khi tiến hành đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo không bị mất tính mới như đã phân tích ở trên. Trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ, Chủ sở hữu cần liên hệ với Đại diện Sở hữu công nghiệp Nacilaw để kịp thời nhận được ý kiến tư vấn nhằm đảm bảo được quyền lợi tối ưu nhất.

Thứ ba, kiểu dáng công nghiệp có tính sáng tạo (tính sáng tạo toàn thế giới):

 Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Thứ tư, kiểu dáng công nghiệp có khả năng áp dụng công nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Thứ năm, kiểu dáng công nghiệp đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file).

Mặc dù đáp ứng các điều kiện bảo hộ nêu trên, kiểu dáng công nghiệp vẫn có thể không được bảo hộ nếu trùng lặp hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp nêu trong các đơn kiểu dáng công nghiệp đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ với ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn. Trong số các đơn cùng đăng ký cho một kiểu dáng công nghiệp hoặc các kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với nhau, khả năng được cấp văn bằng bảo hộ sẽ thuộc về đơn kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn sớm nhất.

Thứ sáu, kiểu dáng công nghiệp có tính thống nhất đơn.

Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;

b) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.

Hoặc đơn đăng ký KDCN chỉ bao gồm 01 kiểu dáng công nghiệp duy nhất của một sản phẩm.

Trên đây là toàn bộ điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành. Để đánh giá được khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm trước khi tiến hành đăng ký nhằm giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, Chủ sở hữu cần tìm đến Đại diện sở hữu công nghiệp Nacilaw để được hỗ trợ tư vấn chi tiết.

HỒ THÙY TRANG

Chuyên viên tư vấn Sở hữu trí tuệ.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button