Tin tức

Hướng dẫn thành lập công ty cổ phần

Hướng dẫn thành lập công ty cổ phần

Công ty cổ phần là một trong những loại hình công ty phổ biến nhất hiện hay. Cùng tìm hiểu về định nghĩa và đặc điểm của công ty cổ phần. Thủ tục thành lập công ty cổ phần, có nên thành lập công ty cổ phần không? Các loại thuế phải nộp khi thành lập công ty cổ phần.

1. Công ty cổ phần là gì?

Theo điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty cổ phần là doanh nghiệp đạt các điều kiện sau:

  • Được thành lập hợp pháp;
  • Số lượng tối thiểu 03 cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, trừ một số trường hợp theo quy định của Luật này;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp.

2. Đặc điểm công ty cổ phần

2.1. Vốn của công ty cổ phần

Vốn điều lệ nói chung là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Cụ thể, với công ty cổ phần, vốn điều lệ được quy định tại điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Trường hợp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Số cổ phần này phải được thanh toán trong vòng 90 ngày tính từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần có thể quy định một khoảng thời hạn khác ngắn hơn.

Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không được tính vào thời hạn góp vốn này.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này hoặc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

2.2. Cổ đông

Số lượng: Cổ đông của công ty cổ phần có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không giới hạn tối đa.

Các loại cổ đông: Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi là người sở hữu cổ phần ưu đãi.

2.3. Tư cách pháp nhân

Có thể hiểu pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… Theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:

– Được thành lập theo quy định của pháp luật;

– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo đó, công ty cổ phần sẽ có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2.4. Chế độ trách nhiệm tài sản

Công ty cổ phần sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản công ty có.

Cổ đông trong công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến tài sản riêng ngoài vốn góp.

2.5. Các loại cổ phần

Bên cạnh cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

– Cổ phần ưu đãi cổ tức: Là cổ phần mà cổ đông sở hữu sẽ được trả mức cổ tức cao hơn so với cổ tức của phổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. Cổ tức cố định và không bị phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

– Cổ phần ưu đãi hoàn lại: Là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của loại cổ phần này và Điều lệ của công ty.

– Cổ phần ưu đãi biểu quyết: Là một loại cổ phần phổ thông nhưng có nhiều phiếu biểu quyết hơn so với các cổ phần phổ thông thông thường khác, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết được Điều lệ công ty quy định cụ thể. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và các cổ đông sáng lập mới có quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

2.6. Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần

Luật Doanh nghiệp đưa ra hai mô hình tổ chức quản lí để các công ty cổ phần lựa chọn. Cụ thể:

Mô hình thứ nhất gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Ban kiểm soát.

Mô hình thứ hai gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong Hội đồng Quản trị có Thành viên độc lập và Ban kiểm toán nội bộ.

Đại hội đồng cổ đông:

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết (cụ thể gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết). Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Hội đồng quản trị:

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Hội đồng quản trị có từ ba đến mười một thành viên. Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Cuộc họp của Hội đồng quản trị được Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập khi xét thấy cần thiết, nhưng mỗi quý phải họp ít nhất một lần.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty:

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác thông qua hợp đồng lao động, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Ban kiểm soát:

Đối với trường hợp có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần thì công ty cổ phần bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành, nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá năm năm; thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

3. Thủ tục thành lập công ty cổ phần

3.1. Hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Trước khi thành lập công ty cổ phần, người thành lập công ty hoặc người được ủy quyền cần chuẩn bị hồ sơ để nộp tại phòng Đăng ký kinh doanh. Hồ sơ thành lập công ty cổ phần gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức;

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ chứng thực cá nhân đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;

+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là tổ chức.

Các bước thành lập công ty cổ phần

Để thành lập công ty cổ phần cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Một số thông tin cần thiết cho việc soạn thảo hồ sơ thành lập công ty cổ phần gồm:

– Tên công ty: Tên công ty đặc biệt cần lưu ý không trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên các công ty khác.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh: Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần đáp ứng đủ điều kiện đặt ra đối với ngành nghề đó.

Trụ sở địa chỉ công ty: Cần thông tin cụ thể về số nhà, ngõ, hẻm, xóm, tên đường, phố, quận, huyện, tỉnh, thành phố.

Vốn điều lệ: Pháp luật không quy định về vốn điều lệ tối thiểu để thành lập công ty cổ phần, tuy nhiên cần lưu ý một số ngành nghề nhất định có mức vốn tối thiểu gọi là vốn pháp định

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

– Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

– Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến qua mạng thông tin điện tử.

Hiện nay, phòng Đăng ký Kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến. Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Nếu xét thấy hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

3.2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ khi đạt các điều kiện sau đây:

– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp;

– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

– Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

4. Có nên thành lập công ty cổ phần không?

Ưu điểm của công ty cổ phần:

Chế độ trách nhiệm tài sản của cổ đông trong công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn. Cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Vì vậy các cổ đông có thể kiểm soát được mức độ rủi ro khi góp vốn vào công ty.

Khả năng huy động vốn của Công ty cổ phần rất cao. Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau như huy động vốn góp ban đầu, chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng, phát hành trái phiếu, huy động vốn vay,…

Cổ phần trong công ty cổ phần có thể được chuyển nhượng tự do, linh hoạt, dễ dàng (trừ một số rrường hợp theo quy định của pháp luật), vì vậy phạm vi đối tượng có thể mua cổ phần và tham gia là cổ đông của công ty cổ phần rất rộng.

Nhược điểm của công ty cổ phần:

Ngoài những ưu điểm đã nêu, loại hình công ty cổ phần cũng có một số nhược điểm nhất định như:

Do tính chất được tự do chuyển nhượng cổ phần và dễ dàng trong việc huy động vốn, việc quản lý và vận hành công ty cổ phần khá phức tạp do số lượng cổ đông có thể lớn. Quá nhiều cổ đông có thể dẫn đến sự cạnh tranh lợi ích không lành mạnh giữa các cổ đông, nội bộ không thống nhất, thay đổi cổ đông thường xuyên làm cơ cấu công ty không ổn định, khó quản lý.

Công ty cổ phần thường xuyên huy động vốn, giao dịch trên sàn chứng khoán nên dòng tiền ra tiền vào của loại hình này nếu không quy định chặt chẽ sẽ có khả năng dẫn đến tình trạng không kiểm soát được. Do tính chất phức tạp, khó quản lý của loại hình này mà pháp luật kiểm soát gắt gao hơn về tài chính và kế toán của công ty cổ phần.

Dựa vào những ưu và nhược điểm trên của công ty cổ phần, tùy theo tính chất, quy mô mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn nên hay không nên thành lập công ty cổ phần.

5. Thuế thu nhập doanh nghiệp

5.1. Khái quát thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty cổ phần hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam là đối tượng có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra còn có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ…

5.2. Căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế

Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất. Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.

Công thức tính thuế: Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x thuế suất

Thuế suất áp dụng là 20% cho các công ty. Trừ trường hợp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam là từ 32% đến 50%, đối với các mỏ tài nguyên bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm áp dụng thuế suất là 50%.

6. Lệ phí môn bài

6.1. Khái quát về lệ phí môn bài và mức nộp lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài được hiểu là khoản tiền hàng năm công ty cổ phần phải nộp cho doanh nghiệp, mức nộp lệ phí môn bài dự trên số vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Mức nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

– Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;

– Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;

– Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

6.2. Thời hạn khai và nộp lệ phí môn bài

Khoản 9 điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế quy định thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Việc khai lệ phí môn bài được thực hiện một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.

NACI LAW,
Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Số điện thoại: +84. 9789 38 505
Văn phòng Hồ Chí Minh: Số 12B, Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: +84. 977 305 787
Văn phòng Bắc Giang: Lô 12, liền kề 37, Khu đô thị phía nam thành phố Bắc Giang
Số điện thoại: +84. 8191 81 116
Văn phòng Hàn Quốc: 21-15, Dongnam-ro 9 gil, Songpa-gu, Seoul, Korea
Số điện thoại: 0904 537 525


Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:
1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
4. Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button