Tên miền không phải là đối tượng được bảo hộ theo phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Do đó, việc đăng ký tên miền không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng tên miền lại có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung và với nhãn hiệu nói riêng. Nacilaw thông qua bài viết dưới đây để cung cấp cho bạn thông tin về mối liên hệ giữa nhãn hiệu và tên miền.
Nội dung:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007;
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet;
- Thông tư số 21/2021/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18 tháng 08 năm 2015.
2. Nhãn hiệu và tên miền là hai khái niệm khác nhau
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau.
Ví dụ: Viettel, Vinamilk, Vietcombank,….
Nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại cơ quan sở hữu trí tuệ và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chủ sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Việc đăng ký nhãn hiệu giúp chủ sở hữu đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với tên gọi và biểu tượng được sử dụng để đại diện cho thương hiệu, đồng thời ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh sao chép, sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình.
Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT: Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”.
Ví dụ: nacilaw.com, thuvienphapluat.vn,….
Tên miền được đăng ký thông qua các tổ chức đăng ký tên miền và phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý tên miền.Việc lựa chọn và đăng ký tên miền giúp đảm bảo rằng người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy trang web của công ty trên Internet, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng tên miền của họ bởi những người khác.
3. Mối liên hệ giữa nhãn hiệu và tên miền
Nhãn hiệu và tên miền đều là các yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp. Việc đăng ký nhãn hiệu và đăng ký tên miền là những bước quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tạo ra sự nhận diện thương hiệu.
Nhãn hiệu có thể là một phần của tên miền
Nhãn hiệu là một đặc trưng riêng biệt và được sử dụng để định danh sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp, còn tên miền là một địa chỉ trên internet được sử dụng để truy cập vào trang web hoặc ứng dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, nhãn hiệu và tên miền thường được liên kết với nhau hoặc có thể nói nhãn hiệu là một bộ phần cấu thành của tên miền.
Tên miền được cấu tạo bởi nhiều thành phần và cách nhau bởi dấu “.”. Tên miền có thể bao gồm các thành phần tên miền cấp 1, cấp 2, cấp 3,… cấp n nhưng ít nhất trong các cấp này phải có một cấp (trừ cấp cao nhất) có khả năng phân biệt. Và để tạo ra khả năng phân biệt của tên miền, đảm bảo được tính duy nhất của tên miền trong môi trường internet, các doanh nghiệp thường có xu hướng lấy nhãn hiệu làm thành phần phân biệt của tên miền. Ngoài ra, thói quen của người dùng internet khi tìm kiếm một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó thì thường truy cập vào website thông qua tên miền tương ứng với nhãn hiệu của doanh nghiệp đó.
Như vậy, tên miền có thể bao gồm tên của nhãn hiệu hoặc từ khóa liên quan đến nhãn hiệu để tạo ra một địa chỉ trên internet dễ nhớ và dễ tìm kiếm. Ví dụ, trang web của Apple có địa chỉ là www.apple.com, trong đó “Apple” là nhãn hiệu của công ty và được sử dụng như một phần của tên miền. Tương tự, trang web của Microsoft có địa chỉ là www.microsoft.com, trong đó “Microsoft” là nhãn hiệu của công ty và được sử dụng như một phần của tên miền.
Tên miền là công cụ để quảng bá nhãn hiệu, phát triển thương hiệu
Tên miền là địa chỉ duy nhất trên internet để truy cập vào trang web của một doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân. Khi một tên miền được đăng ký, người sử dụng sẽ có quyền sử dụng địa chỉ đó để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hoặc thông tin về doanh nghiệp của mình. Tên miền cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược quảng cáo và marketing của các doanh nghiệp.
Khi một doanh nghiệp sở hữu tên miền liên quan đến nhãn hiệu của mình, họ có thể sử dụng tên miền đó để xây dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ trên internet. Đồng thời, tên miền cũng giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và nhớ đến doanh nghiệp của họ. Nếu tên miền được đăng ký và sử dụng một cách hiệu quả, nó có thể giúp tăng lượng truy cập vào trang web của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng và tiềm năng khách hàng mới, từ đó góp phần tăng doanh số bán hàng và phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, tên miền cũng giúp định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên internet. Khi một khách hàng tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ trên internet, việc tìm kiếm thông qua tên miền sẽ giúp họ nhanh chóng định vị được thương hiệu của doanh nghiệp và có thể tìm kiếm thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ một cách dễ dàng.
Đăng ký tên miền có thể giúp bảo vệ nhãn hiệu
Việc đăng ký tên miền có thể giúp bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp bằng những cách sau:
Thứ nhất, khi doanh nghiệp đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu của mình, việc này sẽ ngăn chặn người khác đăng ký tên miền và sử dụng nó để xâm phạm đến quyền lợi về thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu giúp doanh nghiệp đảm bảo tính nhất quán giữa tên miền và nhãn hiệu, từ đó giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy và nhận biết thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ ba, khi doanh nghiệp đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu của mình, nó sẽ tạo ra bằng chứng pháp lý cho việc sở hữu và sử dụng nhãn hiệu của mình. Điều này có thể hỗ trợ cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong tương lai.
Thứ tư, việc đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu của mình giúp doanh nghiệp xác định được thương hiệu của mình trên không gian trực tuyến và giao tiếp với khách hàng một cách rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Điều này giúp tạo niềm tin và uy tín với khách hàng, giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân được khách hàng tiềm năng.
Thứ năm, việc đăng ký tên miền trùng với nhãn hiệu giúp doanh nghiệp ngăn chặn các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ, như việc sử dụng tên miền giống như nhãn hiệu của doanh nghiệp để gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc xâm phạm quyền lợi thương hiệu của doanh nghiệp
4. Lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu và tên miền
Khi đăng ký nhãn hiệu và tên miền, có thể xảy ra trường hợp nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với tên miền hoặc ngược lại. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề pháp lý và gây mất uy tín cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu và tên miền:
- Nếu có nhu cầu chọn tên miền đồng thời là nhãn hiệu, cần chú ý đến khả năng phân biệt của tên miền. Các tên gọi phổ biến tuy có thể đăng ký làm tên miền nhưng có thể không đủ điều kiện đăng ký làm nhãn hiệu;
- Trước khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp nên kiểm tra sự khả dụng của tên miền tương ứng để tránh trường hợp trùng lặp về tên nhãn hiệu;
- Trước khi đăng ký tên miền, cần kiểm tra để chắc chắn rằng tên miền dự định đăng ký có trùng hoặc tương tự hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ thể khác hay không. Điều này sẽ hạn chế thấp nhất những tranh chấp về sau, cũng như ngăn ngừa khả năng bị bắt buộc chuyển giao tên miền cho chủ thể khác;
- Trong trường hợp phức tạp hoặc doanh nghiệp không chắc chắn về vấn đề đăng ký nhãn hiệu và tên miền, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia pháp lý để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.
Kết luận: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế thì tên miền là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng tranh chấp tên miền càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các chủ thể đăng ký tên miền tương tự nhãn hiệu của doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp này chưa đăng ký. Chính vì nguyên tắc “đăng ký trước được xét cấp trước” nên nhiều năm qua đã diễn ra khá nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như toyotavn.vn; samsungmobile.vn; ibm.com.vn; fanta.com.vn; bitis.vn…. Do đó, song song với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì các doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký sớm tên miền có liên quan đến nhãn hiệu để hạn chế việc xảy ra các tranh chấp hoặc trong một số trường hợp doanh nghiệp có nguy cơ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại tên miền.
LÊ THỊ NGỌC THẮM
Legal Consultant